Vụ việc một số giáo dân bị kích động có hành vi gây rối trật tự an ninh, chống
đối chính quyền ở giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang bị một số
phương tiện thông tin có địa chỉ ở nước ngoài xuyên tạc, bóp méo. Đặc biệt, mới
đây trên VOA tiếng Việt, sau khi đưa những thông tin sai lệch về vụ việc cho
rằng, chính quyền Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.
Cần phải khẳng định ngay rằng, cách thông tin của
VOA là một sự vu cáo trắng trợn. Dù với bất cứ lý do gì thì hành vi gây rối trật
tự an ninh, chống đối chính quyền của một số giáo dân quá khích ở Mỹ Yên là vi
phạm pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do tôn giáo không thể bị đánh
lận với một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp
luật. Tôn giáo và công dân là hai phạm trù khác hoàn toàn nhau. Mọi công dân đều
bình đẳng trước pháp luật. Khi vi phạm pháp luật thì dù công dân đó theo hay
không theo tôn giáo nào đều chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Ở Việt
Nam, không bao giờ có chuyện giáo dân bị đàn áp, mà chỉ có những công dân vi
phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, xử lý mà thôi.
Việc cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam áp
dụng các biện pháp ngăn chặn những hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp
luật thực chất là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo. Không chỉ
với Việt Nam, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải
trong khuôn khổ của hiến pháp, pháp luật. Chính thể của các quốc gia trên thế
giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động
tôn giáo thông qua hệ thống pháp luật. Chẳng hạn ở Pháp, tại Điều 26-Luật ban
hành ngày 9-12-1905 quy định: "Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo
phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn
trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào
việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo". Tại Điều 35 của luật này cũng quy
định: "Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ
việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm".
Hệ thống luật pháp ngay tại nước Mỹ cũng quy định
rất rõ hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống chính quyền, đi kèm với đó
là các chế tài xử phạt tương ứng. Đối với các hành vi lợi dụng tôn giáo để chống
chính quyền, các tòa án ở Mỹ xử rất nghiêm khắc. Chúng ta còn nhớ, năm 2012, các
cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ đã bắt giữ, xử lý 7 thành viên của nhóm Hutaree
(nhóm Chiến binh Thiên Chúa giáo) vì có hành vi lên kế hoạch giết một sĩ quan
cảnh sát sau khi tấn công một đám tang, nhằm bắt đầu một cuộc nổi loạn, sử dụng
vũ khí chống lại chính quyền Mỹ. Trước đó vào năm 2010, cũng có 9 thành viên
khác của nhóm này bị bắt giữ vì đã luyện tập bắn súng và chế bom trong rừng.
Ngoài ra, trên website của nhóm này có nhiều bài viết lên án các chính sách của
chính quyền Mỹ...
Rõ ràng, ngay chính tại nước Mỹ-một quốc gia tự
nhận luôn đảm bảo về tự do tôn giáo thì ở đó cũng có sự phân biệt rạch ròi giữa
hoạt động tôn giáo với hành vi lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự an ninh,
chống phá chính quyền. Như vậy, việc cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam áp dụng
các biện pháp nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng tôn giáo gây rối trật tự an
ninh, chống đối chính quyền ở giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là
bình thường. VOA cho rằng, như thế là vi phạm tự do tôn giáo là hoàn toàn vu
cáo, bịa đặt./.
Kim Ngọc (QĐND)