Làm tốt công tác tiếp dân là thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta,
đồng thời tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng và Nhà nước.
Tiếp dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ
quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp dân, các
cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang tiếp nhận được các khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương,
đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Làm tốt công tác tiếp dân là thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta,
đồng thời tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng và Nhà nước.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; nhiều cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này. Người dân ở Thủ đô còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tiếp công dân ở làng cổ Đường Lâm đã giải tỏa được những bức xúc cơ bản của người dân nơi đây. Người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng khó quên chuyện tiếp dân của đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trực tiếp “gỡ rối” nhiều vấn đề mà người dân bức xúc.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, công tác tiếp dân của nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng đơn thư của dân“vòng vo, từ chỗ này sang chỗ kia, hết từ dưới lên trên, lại từ trên xuống dưới” cũng không phải là cá biệt. Còn có nơi tiếp dân chỉ là “tiếp nhận rồi chuyển đi nơi khác”… Đặc biệt có tình trạng lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, khiến cho vụ việc trở thành phức tạp, kéo dài.
Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp dân. Chính vì vậy, đông đảo người dân đang hy vọng vào dự án Luật Tiếp công dân sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng tới. Dự thảo Luật quy định tiếp dân là trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức; trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức, quản lý và trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân gắn với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cán bộ tiếp dân, người đứng đầu trong việc tiếp dân còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu chế tài xử lý người đứng đầu né tránh việc tiếp dân, không giải quyết hoặc giải quyết chậm những vấn đề dân đề nghị, khiếu nại, tố cáo. Vì thế rất cần bổ sung những vấn đề nêu trên trong dự án Luật.
Nên chăng cần xây dựng “cơ chế một cửa trong việc tiếp dân”, để nơi tiếp dân phải là nơi có câu trả lời thỏa đáng cho dân.
Thực tế, trong các buổi tiếp dân cũng có những người dân đưa ra những đòi hỏi vô lý… Thế nhưng, dù trong tình huống nào, người cán bộ tiếp dân cũng phải thể hiện được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng nhân dân. Công tác tiếp dân sẽ phát huy hiệu quả khi lãnh đạo sâu sát, có tâm, có tầm và có trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Để tăng thêm trách nhiệm trong việc tiếp dân, rất cần có cơ chế giám sát hoạt động này. Vì thế cần sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để nâng cao năng lực, quyền năng giải quyết vấn đề của đại biểu dân cử, góp phần đưa công tác tiếp dân đạt hiệu quả thiết thực./.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)