Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 25/11/2008 17:41'(GMT+7)

Một tấm lòng tôn kính Bác

Kiến trúc sư Thái Thành Vân

Kiến trúc sư Thái Thành Vân

Đó là Kiến trúc sư Thái Thành Vân, sinh năm 1945, cán bộ Sở Xây dựng Tuyên Quang (đã nghỉ hưu năm 2004), Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang. Năm 1990, ông đã cho ra mắt công chúng cuốn sách "Chuyện ngày thường về Bác Hồ", gồm 79 chuyện (in lần cuối gồm 99 chuyện), hầu hết là những bài học, những câu chuyện ông sưu tầm ở sách báo, hoặc do ông ghi chép chân thực qua những kỷ niệm mà cán bộ, nhân dân vinh dự được gặp Bác, được sống bên Bác kể lại. Cuốn sách của ông được tái bản nhiều lần và được sự yêu thích và đón nhận của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ trong tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng, các trường học và tổ chức-đoàn thể.

Chúng tôi tìm đến nhà ông ở số 60 - đường Nguyễn Văn Linh, phường Phan Thiết, TX.Tuyên Quang, với tấm lòng tôn kính vị cha già dân tộc, trong không khí thân tình, ông đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi.

- Cuốn sách của ông hiện là một trong những tài liệu quý về Bác Hồ. Trong các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ, có nhiều câu chuyện được  sử dụng từ cuốn sách đó?

- Trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp

Cuốn sách của KTS. Thái Thành Vân
qua nhiều lần tái bản

xâm lược, Bác đã sống, làm việc tổng cộng gần 6 năm, ở trên 20 địa điểm khác nhau ở Tuyên Quang. Đó là một vinh dự lớn đối với đồng bào và nhân dân nơi đây. Tấm gương đạo đức của Bác xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn. Sự vĩ đại của vị lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh xuất phát từ sự vô cùng giản dị đã để lại trong dân, trong Đảng, trong cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc những bài học sâu sắc. Ai gặp Bác dù chỉ một lần, thậm chí chỉ trong ít phút đều có thể ghi nhớ mãi về hình ảnh, lời nói của Người. Bác thật gần gũi, lời Bác thật dễ nhớ, và ai cũng có thể tự răn mình để làm theo. Tôi may mắn gặp một số nhân chứng, đọc nhiều tài liệu, sách vở, ghi lại với tấm lòng biết ơn và tôn kính Bác, để trước hết làm bài học cho mình. Học Bác là để mình sống là người có ích hơn, sống thật với chính mình hơn. Những câu chuyện ấy truyền tụng trong nhân dân, nay về lại với đời sống nhân dân. Được góp phần làm nên điều ấy, tôi thấy mình là người hạnh phúc.

- Ông bắt đầu công tầm việc sưu và ghi chép những câu chuyện về Bác Hồ như thế nào? Việc xuất bản sách có khó khăn không?

- Đầu năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, tôi được về công tác ở Ty Kiến trúc Tuyên Quang. Ngay sau đó tôi lại được về Tân Trào cùng với một số cán bộ khảo sát, thiết kế xây dựng Khu lưu niệm Tân Trào. Đó là một may mắn và niềm vinh dự lớn đối với tôi. Ông Đặng Kim Sơn, phụ trách Bảo tàng tỉnh lúc bấy giờ là người rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ để tôi sưu tầm tư liệu về Bác, gặp một số nhân chứng như các ông, bà: Lương Thị Khanh, Nguyễn Tiến Sự, Ngô Sáng Lập, Viên Văn Phú, Nông Quốc Sơn... Ông còn tạo điều kiện để tôi gặp ông Đinh Đại Toàn, người theo phục vụ Bác từ Pác Bó về Tân Trào mùa hè năm 1945. Tôi như được tiếp thêm niềm tin qua từng câu chuyện ghi được. Thật hay là trong những nhân chứng và những câu chuyện đó có đủ về các tầng lớp nhân dân, cán bộ, bộ đội, già có, trẻ có.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh (khi đó còn là Hà Tuyên) đã xuất bản cuốn sách với số lượng 3.000 bản. Và từ đó đến nay, cuốn sách được tái bản thêm bảy lần nữa. Bảo tàng Tân Trào - ATK chủ động phối hợp với NXB Văn hóa dân tộc xuất bản và phát hành qua khách tham quan du lịch.

Qua tám lần in, tổng cộng đã phát hành 14.000 bản sách. Ai dù chỉ một lần đến Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến hẳn sẽ rất cảm động nhớ về những ngày gian lao, vất vả Bác ở làng Tân Lập, ở lán Nà Lừa, ở hang Bòng, ở Khâu Lấu... Và chắc ai cũng sẽ rất vui khi có được cuốn sách ghi lại những câu chuyện ngày thường về Bác ở ngay chính mảnh đất cách mạng này.

Tới nay, dù vẫn chưa được ai tài trợ nhưng tôi vẫn làm sách với tất cả lòng tôn kính Bác, không đòi hỏi, và tự thấy không có quyền đòi hỏi với bất kỳ ai. Tôi làm điều đó chỉ vì lòng kính yêu và biêt ơn với Bác mà thôi

- Những câu chuyện trong sách của ông đã in và sử dụng trong nhiều cuốn sách khác?

- Vâng! Tôi coi đó là một niềm hạnh phúc. Và tôi nghĩ việc tuyên truyền và nhân rộng những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác đến với mọi tầng lớp nhân dân là một điều rất cần thiết. Nhân cách, phẩm chất và tư tưởng của Bác chính là tài sản tinh thần vô giá của đạo đức cách mạng Việt Nam, cho nên, thêm một người hiểu sâu, hiểu rõ được điều đó, những câu chuyện về Người càng được phổ biến rộng, thì những những người làm sách như tôi càng hạnh phúc. Đừng băn khoăn gì về chuyện "bản quyền". Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, đó là mẹ của nhà văn Vũ Xuân Tửu trong một lần về thăm Tân Trào, khi bà chọn mua sách này, nhà văn hỏi: "Mẹ có sách này rồi, còn mua thêm làm gì?", Bà bảo: "Mua tặng mấy người bạn già". Thật cảm động!  

Có lần vào Bình Định, tôi thấy một cuốn sách do Trung tâm Phát triển văn hóa, giáo dục UNESCO tại Hà Nội xuất bản, in rất đẹp được bày trang trọng ở gian trưng bày về Bác, trong đó có nhiều câu chuyện lấy từ sách của tôi; gần đây, cuốn "Mỗi lần nhặt một hòn đá", NXB Văn hóa dân tộc đã chọn và biên tập lại nhiều câu chuyện của tôi để giới thiệu riêng với bạn đọc các dân tộc miền núi. Triển khai thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng đã chọn đưa vào cuốn "Bác Hồ với Tuyên Quang" nhiều câu chuyện do tôi sưu tầm; hay như Báo Nhân Dân hằng ngày cũng đã chọn đăng trong mục "Đạo đức Hồ Chí Minh" nhiều câu chuyện trong cuốn sách của tôi... Tôi rất vinh dự và tự hào vì điều đó, bởi như vậy, việc làm của mình đã thực sự có ích với đời, có ích cho Đảng, cho dân. Điều đó nhắc tôi phải cố gắng hơn nữa.

- Ông nói, sưu tầm chuyện về Bác, viết sách là để trước hết tự giáo dục mình?

- Tôi luôn tâm niệm: Sống thật với mình và phải có đạo đức nghề nghiệp. Bác Hồ đã từng dạy: Đạo đức không phải từ trên trời rơi xuống. Làm quy hoạch, thiếu tấm lòng trong sáng dễ bẻ cong ngòi bút, phá vỡ quy hoạch mà mình tham gia làm ra. Tôi đã đấu tranh bằng cả lý, cả tình để bảo vệ những quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thắng lợi. Hiện thân của những nhà máy nằm trong nội thị xã Tuyên Quang, trong khu dân cư, lấn cây xanh, lấn hồ nước, sự chồng chéo trong xây dựng... sẽ làm thành phố tương lai của chúng ta xấu đi, nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng lên...

Chúng Tôi xin phép ông được vào xem giá sách của gia đình. Thật ngạc nhiên về việc gìn giữ tư liệu, sự ghi chép tỷ mỷ của ông. Ở đây chúng tôi  thấy nhiều tờ báo địa phương có từ số xuất bản đầu tiên. Đặc biệt là những cuốn sách về Bác Hồ, nếu xếp lại, phải cao hàng mét! 

Ông quan niệm: Tri thức là sự tích lũy. Hơn thế, làm sách về Bác Hồ mà không cẩn thận thì bạn đọc đâu dễ chấp nhận. Cũng chính vì thế, nhà in nào in sách của ông họ cũng thích, ông tự làm makét, vẽ bìa, chọn ảnh và tự đọc, tự sửa mo-rát nhiều lần, quyết không để lỗi về các sự kiện và lỗi chính tả. Mỗi câu chuyện, ông đều cố gắng "chỉnh " chỉ vừa khoảng một trang in, bởi theo ông, phải ngắn gọn, súc tích, thì người đọc mới dễ nhớ, dễ hiểu và học tập theo tấm gương của Người.

Quả thật, đó cũng là một sự rèn luyện làm theo Bác, mà chúng tôi - những người làm báo cần phải học.../.

(Theo:Nguyễn Trọng Hùng/Báo Tuyên Quang) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất