Tuy nhiên, cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế khó tránh khỏi do
đây là lần đầu tiên Thành phố áp dụng giãn cách xã hội, chưa thể lường
hết diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Từ thực tế đó, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với sự hỗ trợ của Trung
ương, các bộ, ngành liên quan đã từng bước điều chỉnh, đưa ra những giải
pháp mới nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT CẬP TỪ CHUYỆN GIẤY ĐI ĐƯỜNG
Việc kiểm soát di chuyển của người dân là hết sức cần thiết để giảm
thiểu nguy cơ lây nhiễm khi vẫn còn rất nhiều F0 “lang thang” trong cộng
đồng; đồng thời để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết
cũng như tổ chức tiêm vaccine nhanh, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Trước yêu cầu này, từ ngày 23/8 vừa qua, Thành phố siết chặt, áp dụng
các biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát việc di chuyển của người dân.
Qua 7 ngày thực hiện, có thể thấy đại đa số người dân chấp hành tốt.
Tuy nhiên, trong quá trình siết chặt việc ra đường cũng thể hiện phần
nào sự lúng túng khi thành phố ban hành nhiều văn bản, nhanh chóng có
nhiều điều chỉnh trong thời gian rất ngắn, việc thực hiện thiếu nhất
quán giữa các địa phương đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thậm chí, xuất hiện một số đối tượng làm giả giấy đi đường để “thông
chốt", gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, gây áp lực
lên công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để phục vụ cho việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị
16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/8, trước đó,
ngày 21/8 vừa qua, UBND Thành phố ban hành văn bản về tăng
cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông. Thủ trưởng cơ
quan, đơn vị nơi 17 nhóm đối tượng được phép ra đường sẽ cấp giấy đi
đường.
Tuy nhiên, đến ngày 22/8, UBND Thành phố ban hành văn bản
điều chỉnh, bổ sung. Tiếp đến ngày 23/8, khi toàn Thành phố đang thực
hiện tăng cường Chỉ thị 16/CT-TTg,
UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có văn bản điều chỉnh,
bổ sung một số nội dung, bổ sung các đối tượng được ưu tiên và không yêu
cầu có giấy đi đường khi qua chốt trạm đối với các đối tượng ưu tiên
này. Đặc biệt, trong lần thay đổi này, thành phố thống nhất giao Công an
Thành phố là đơn vị in, ký cấp giấy đi đường cho toàn bộ các nhóm đối
tượng được ra đường.
Đến ngày 24/8 vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo
hướng dẫn việc kiểm soát phương tiện được phép lưu thông trên đường theo
các chỉ đạo trước đó của UBND Thành phố. Việc áp dụng mẫu
giấy đi đường mới do Công an thành phố cấp bắt đầu từ 0 giờ ngày 25/8.
Kể từ lúc điều chỉnh đến khi áp dụng chỉ “vỏn vẹn” hơn 1 ngày, trong
khi cả Thành phố đang giãn cách đã gây không ít khó khăn, bất cập cho người dân, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo lý giải của ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công
thương Thành phố, ngay ngày đầu tiên áp dụng nhân viên các doanh nghiệp
ra đường phải có giấy đi đường, Sở Công Thương đã nỗ lực cấp được 80.000
giấy đi đường cho các hệ thống phân phối và các đối tượng liên quan;
trong đó có doanh nghiệp kinh doanh gas, dịch vụ logistics, shipper…
Tuy nhiên, do lượng hồ sơ đăng ký quá lớn, khó có thể giải quyết kịp
thời cho tất cả các loại hình trên. “Quy định mới là từ ngày 25/8, tất
cả giấy đi đường phải do Công an Thành phố Hồ Chí Minh cấp phát, dẫn tới
việc những giấy đi đường đã được Sở Công Thương cấp trước đó phải hủy
hết, giải quyết lại từ đầu.
Trong khi đó, Sở Công Thương đã nhận được khoảng 100.000 hồ sơ đề
nghị cấp giấy đi đường của doanh nghiệp, nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu
giấy đi đường từ cơ quan Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nên buộc phải
cân nhắc, cắt giảm khoảng 60.000 hồ sơ.
Hiện nay, Sở Công Thương đang nỗ lực giải quyết các hồ sơ còn lại,
nếu thiếu sẽ có văn bản đề xuất Công an cấp thêm giấy đi đường để giải
quyết cho doanh nghiệp”, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
cho biết.
Bộ đội biên phòng kiểm tra giấy đi dường tại chốt Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương, quận Bình Thạnh. (Ảnh: TTXVN)
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ
Chí Minh cho biết qua thực tế cấp giấy phép lưu thông cho các cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp vẫn có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Từ
ngày 29/8, để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động lưu thông nhằm thực hiện
công vụ, Công an thành phố đã có một số điều chỉnh.
Cụ thể, những xe chở nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp đi thực
hiện công vụ nhưng không có mã QR Code, chỉ cần 1 người trên xe có giấy
phép lưu thông, khai báo y tế và đảm bảo các biện pháp chống dịch sẽ
được lưu hành.
Những tài xế đi xét nghiệm SARS-CoV-2 để phục vụ việc cấp mã "luồng
xanh" cho phương tiện; người có vé máy bay để đi nước ngoài du học, về
các tỉnh, thành phố khác… không cần giấy đi đường, chỉ cần chứng minh
thuộc nhóm đối tượng này như hướng dẫn trước đây thì vẫn được phép lưu
thông trên đường theo lộ trình “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Trong khi đó, những nhân viên vận chuyển gas (bình 12kg trở lên) lưu
thông tại các vùng dân cư chỉ cần có giấy giao hàng, địa chỉ nơi nhận và
khai báo y tế cũng được phép lưu thông.
GỠ RỐI MÔ HÌNH "ĐI CHỢ HỘ"
Mặc dù đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân trong thời gian thực
hiện nghiêm giãn cách xã hội nhưng mô hình “đi chợ hộ” nhanh chóng bộc
lộ hạn chế khi các siêu thị quá tải về đơn hàng dẫn đến thời gian giao
hàng chậm, một bộ phận người dân có đặt hàng nhưng không nhận hàng và
không thanh toán.
Khi tạm ngưng hoạt động lực lượng shipper tại 8 địa bàn “vùng đỏ” đã
dẫn tới quá tải đơn hàng "đi chợ hộ." Người dân phản ánh không được phản
hồi đơn hàng, đơn vị kinh doanh tạm ngưng nhận đơn hàng mới để xử lý
đơn hàng đã nhận...
Đánh giá sau một tuần triển khai "đi chợ hộ", ông Nguyễn Nguyên
Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do
nhu cầu mỗi cá nhân khác nhau nên thiết kế danh mục, combo hàng hóa tiêu
dùng thiết yếu đang là vấn đề gây trở ngại nhất định cho nhà bán lẻ,
đơn vị kinh doanh.
Cán
bộ chiến sỹ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 "đi chợ giúp dân"
trong những ngày thành phố giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đấy”. (Ảnh:
TTXVN)
Ngoài ra cũng cần thời gian nhất định để triển khai việc trả đơn hàng
"đi chợ hộ”. Trong những ngày qua, tiếp thu phản ánh của người dân ở
một số địa bàn về combo "đi chợ hộ", lực lượng liên ngành đã và đang
phối hợp cùng nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh để gỡ rối.
Theo đó, Sở Công thương Thành phố đã yêu cầu nhà bán lẻ, doanh nghiệp
khẩn trương điều chỉnh combo "đi chợ hộ" phù hợp nhu cầu người dân và
đảm bảo cả về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa tiêu dùng thiết
yếu.
“Dự kiến trong những ngày tới, khi lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu
trong dân giảm xuống, nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ khiến lưu lượng hàng
hóa luân chuyển rất lớn, càng tạo áp lực lên lực lượng "đi chợ hộ" và hệ
thống bán lẻ, phân phối. Vì vậy, để hoạt động bán lẻ không bị mắc kẹt ở
khâu phân phối, cần tính toán phương án để người dân đăng ký trực tiếp
với nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh và giao hàng bằng shipper”, ông Nguyễn
Nguyên Phương cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp
tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), thành phố không
thiếu mặt hàng thiết yếu theo yêu cầu của người dân.
Vấn đề hiện nay là hoạt động bán lẻ bị mắc kẹt ở khâu phân phối, cụ
thể là việc trả đơn hàng "đi chợ hộ" từ điểm bán đến tay người dân. Bên
cạnh phối hợp với sở, ngành và chính quyền địa phương, Saigon Co.op đang
chủ động tháo gỡ từng bước bằng giải pháp ưu tiên đơn hàng có liên quan
người lớn tuổi, trẻ em và nhóm người yếu thế. Hiện nay, Saigon Co.op có
gần 400 địa điểm phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi điểm có thể
phục vụ 10.000 hộ, với 40.000 dân, trung bình 2.200 tấn hàng hóa mỗi
ngày.
Nhằm khắc phục hiện trạng trên, ngày 29/8, UBND Thành phố
Hồ Chí Minh đã cho phép lực lượng shipper theo danh sách của Sở Công
Thương thành phố được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện,
thành phố Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với yêu cầu
tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm
tính (1 ngày/lần) tại 8 quận "vùng đỏ".
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao cho Công an
thành phố phân bổ cho Sở Công Thương 20.000 giấy đi đường cho nhân viên
hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm lực lượng chuẩn bị đơn hàng, thực hiện
các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Thời gian
thực hiện từ ngày 30/8 cho đến khi có thông báo mới.
Lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động trở lại tại 8 địa phương “vùng đỏ”. (Ảnh: TTXVN)
Hiện, bình quân mỗi ngày nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân
trên địa bàn Thành phố khoảng 10.964 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu
một số mặt hàng khác như nước uống khoảng 19 triệu lít/ngày, khẩu trang
628.969 cái/ngày. Hiện, trên địa bàn Thành phố có 2.302 điểm bán hàng
duy trì hoạt động, giảm 699 điểm bán so với trước khi thực hiện quy định
về giãn cách xã hội.
Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên
Phương cho biết thực tế thời gian qua cho thấy đã phát sinh một số vấn
đề khó khăn trong việc vận chuyển cung ứng hàng hóa. Trong điều kiện
hiện nay, nếu huy động được 25.000 shipper, (tính đến 0 giờ ngày 28/8 có
17.449 shipper đã tiêm mũi một vaccine phòng COVID-19) có khả năng phục
vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình.
Đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận
chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động trên toàn
Thành phố với năng lực mỗi shipper có thể giao nhận 20 - 25 đơn hàng/ngày.
Cùng với sớm giải quyết vấn đề "đi chợ hộ", Thành phố Hồ Chí Minh
cũng đang nỗ lực khắc phục hạn chế trong triển khai chăm lo cho các đối
tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cung cấp các túi an sinh kịp thời đến người dân, cũng như các gói hỗ
trợ đến tay các đối tượng được hưởng thụ một cách sớm nhất. Qua đó,
tránh phát sinh những vấn đề về an ninh trật tư, đảm bảo an toàn phòng,
chống dịch COVID-19 trong những ngày tới.
Chưa bao giờ nhiệm vụ phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nói
riêng, cả nước nói chung lại trở nên nặng nề, khó khăn như lúc này.
Thành phố đã nỗ lực và quyết tâm triển khai nhiều giải pháp, thu được
những kết quả quan trọng.
Trong quá trình đó, tất yếu sẽ nảy sinh những vấn đề mới cần bình
tĩnh và quyết liệt điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Đúng như lưu ý của
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia
phòng, chống dịch COVID-19 mới đây: các giải pháp phòng, chống dịch như
hiện nay đang thực hiện là đúng hướng. Tuy nhiên, trong quá trình thực
hiện nếu có những phát sinh hoặc chưa phù hợp với từng địa phương cụ thể
thì kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, với tinh thần không
cầu toàn, không nóng vội.
Với sự chỉ đạo và hỗ trợ sát sao từ Trung ương, cả hệ thống chính trị
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang khẩn trương vào cuộc, huy động mọi
nguồn lực tham gia chống dịch.
Người dân có thể hy vọng và tin tưởng trong những ngày tới, dịch bệnh
tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được kiểm soát, Thành phố sẽ sớm xác lập
trạng thái bình thường mới để ổn định và tiếp tục phát triển./.
TTXVN