Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 20/10/2011 17:13'(GMT+7)

Một vài suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm việc dạy chữ, dạy người. Ảnh tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm việc dạy chữ, dạy người. Ảnh tư liệu

Về mục tiêu giáo dục Hồ Chí Minh viết: “Trách nhiệm nặng nề của người thầy là dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của Nhà nước” (1). Theo tôi hiểu, những người tốt đó phải là những người vừa có đức, vừa có tài trên cương vị học tập, lao động, công tác của mình.

Về nội dung giáo dục Người viết: “Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo những thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học lại có những kiến thức cơ bản về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào xây dựng CNXH” (2),

Về phương pháp giáo dục, Người nhấn mạnh: “Cách dậy học phải nhẹ nhàng, vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi (hiểu rộng thêm là học trò-NK) vào khuôn khổ người lớn, phải đặc biệt chú ý sức khoẻ của các cháu” (3).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH của Đảng đã viết: “Giáo dục đào tạo gắn liền với sản xuất phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật xây dựng văn hoá mới, con người mới”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh của Đảng, Khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục viết: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục XHCN… Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”.

Nhưng thật đáng lo ngại là chất lượng giáo dục còn không ít yếu kém. Những điển hình xuất sắc về giáo dục lao động sản xuất của thời kỳ trước như các trường Bắc Lý (Hà Nam), Xuân Đỉnh (Hà Nội), Đoàn Kết (Hải Phòng), thanh niên lao động XHCN Hoà Bình, hệ thống trường vừa học - vừa làm ở một số tỉnh (trong đó có trường vừa học - vừa làm ở tỉnh Quảng Ninh mà tôi đã từng dậy học) như đã bị lãng quên trong ký ức của ngành giáo dục đào tạo.

Ngay trên các phương tiện thông tin, báo chí cũng không mấy khi nhắc tới những trường đã “vang bóng một thời” ấy nữa. Quan điểm “Giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục XHCN” giờ đây như đã trở thành xa vời. Thay vào đó là phương pháp “dậy chay”, “học chay”, dậy thêm, học thêm, luyện thi liên miên với mục tiêu là để chuyển cấp, thi vào các trường đại học, cao đẳng… Phương pháp dạy học như hiện nay không còn thời gian để học sinh vui chơi, giải trí và rèn luyện lao động chân tay…

Với nội dung, phương pháp giáo dục như vậy, tất yếu dẫn đến hậu quả tiêu cực về mục tiêu giáo dục – đào tạo con người mới XHCN. Ngày này, phần lớn học sinh rất ngại và lúng túng lao động chân tay. Kiến thức văn hoá – giáo dục thì phiến diện. Chất lượng giáo dục thì giảm sút vì học tủ, học lệch,… không phát huy được trí thông minh, óc sáng tạo của học sinh trong học – hành. Phải chăng ngày nay, nhà trường ngày càng xa rời mục tiêu đào tạo “Người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà” như Hồ Chí Minh đã từng chỉ giáo. Điều đó cũng cắt nghĩa tại sao ngày nay phần đông học sinh không muốn thi vào khối B và khi tốt nghiệp ra trường thì không muốn về công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa?

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc toạ đàm “Một số vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo”. Cuộc toạ đàm này là rất đúng thời cơ, là sự đòi hỏi cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà. Nhưng để thực hiện được điều đó, không có con đường nào khác là Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và ngành giáo dục đào tạo cần có chủ trương, biện pháp thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục. Vì vậy, theo chúng tôi cần thực hiện mấy điều:

1. Thành lập Uỷ ban cải cách giáo dục (UBCCGD) từ Trung ương đến các địa phương.

2. UBCCGD sẽ cụ thể hoá tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục để vận dụng tư tưởng của Người vào công tác giáo dục đào tạo.

3. UBCCGD được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc cải cách giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đó chính là tiền đề, điều kiện, yêu cầu bức thiết để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về công tác giáo dục – đào tạo: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và kinh tế tri thức” (4)

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh bàn về công tác giáo dục, Nxb. Sự thật, H.1972, t.49

(2) Sđd, t.79-80

(3) Sđd, t.55

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011, t.321

Nguyễn Kiên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất