Chính phủ khẳng định khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu
dùng có thu nhập thấp, người nghèo. Thay vì hỗ trợ chung cho ngành điện, Nhà
nước sẽ hỗ trợ cho người dân; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi
mới công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn bằng những cơ chế tài chính,
chính sách thuế cụ thể.
Chiều 30/7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, Bộ trưởng Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: chủ trương chung của Đảng, Nhà
nước là điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng đầu vào giá điện là giá than, hiện giá than bán
cho ngành điện thấp hơn các ngành khác nên xảy ra tình trạng thu lượm than bán
cho nước ngoài. Song, hệ lụy lớn hơn cả là nếu giá điện của Việt Nam thấp, các
dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện và chúng ta sẽ
phải gánh một nền sản xuất lạc hậu. Ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi cho
ngành điện nên phải kêu gọi đầu tư từ xã hội. Giá điện thấp, đầu tư không có lãi
sẽ không thu hút được nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng, nếu tăng ngay giá điện đầu vào sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh.
Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều năm nay việc điều chỉnh giá điện không thể
thực hiện ngay một lúc mà phải thực hiện theo lộ trình. Khi tăng giá điện, Tập
đoàn Điện lực Việt Nam phải có kế hoạch tuyên truyền, giải thích, lấy ý kiến
phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết.
Chính phủ khẳng định khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu
dùng có thu nhập thấp, người nghèo. Thay vì hỗ trợ chung cho ngành điện, Nhà
nước sẽ hỗ trợ cho người dân; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi
mới công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn bằng những cơ chế tài chính,
chính sách thuế cụ thể.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn
quy gạo từ 15/6, nhưng trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 7/2013 của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lương thực lại là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa
tính CPI, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh
nghiệp đầu mối để mua tạm trữ lúa gạo khi chưa xuất khẩu. Việc mua tạm trữ này
không có nghĩa doanh nghiệp hay Nhà nước có chính sách bao tiêu toàn bộ sản phẩm
cho người dân.
Hàng năm, căn cứ theo sản lượng, thị trường, Chính phủ có cơ chế
hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ cho người dân. Khi có gói hỗ trợ này, giá lúa
gạo được giữ ổn định. Chính phủ tìm cơ chế điều hành sao cho vừa đảm bảo quyền
lợi của người dân, vừa giữ được thị trường xuất khẩu gạo ổn định; tiến tới cơ
chế các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào
quá trình đầu tư ở vùng lúa.
Vừa qua, Thủ tướng đã họp với lãnh đạo một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và
chỉ đạo các bộ khẩn trương thực hiện theo hướng các doanh nghiệp được xuất khẩu
gạo, thủy sản phải trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với vùng nguyên liệu. Với hướng
đó, Chính phủ tin rằng thị trường sẽ ổn định hơn.
Liên quan đến việc Chính phủ giao Bộ Tư pháp thí điểm cơ chế kiểm soát văn bản
hành chính mà từ trước đến nay giao toàn quyền cho Bộ trưởng các bộ chuyên
ngành, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Tư pháp thí điểm đưa ra cơ chế thẩm định
các văn bản của các bộ trước khi ban hành để tránh tình trạng bất cập, không khả
thi trong thời gian qua.
Việc làm này phải tuân thủ trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Nhà
nước và không làm nhẹ vai trò của Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành. Bộ Tư pháp sẽ
chọn lĩnh vực “nóng” làm thí điểm trước, từ đó tổng kết lại, rút ra kinh nghiệm
để không xảy ra sơ suất, để chấn chỉnh chứ không làm thay đổi quy trình ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam và đại diện Bộ Thông tin Truyền thông
cũng đã trả lời một số câu hỏi của báo giới liên quan đến vấn đề bản quyền phát
sóng giải Ngoại hạng Anh, dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đầu tư công, đánh
giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính
thủ đô Hà Nội./.
Chu Thanh Vân (TTXVN)