“Học bổng đào tạo ở nước ngoài thì có nhưng đối tượng thụ hưởng thì lại tỏ ra không mấy mặn mà, đó là nghịch lý của ngành múa Việt Nam hiện nay”, NSND Lê Ngọc Canh, người đã dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, sưu tầm và phát triển nền nghệ thuật múa của Việt Nam, buồn rầu tâm sự.
° PV: Học bổng đi du học nước ngoài thường được săn đón quyết liệt, tại sao ngành múa lại có nghịch lý này?
- NSND Lê Ngọc Canh: Nghiêm túc mà nói, thời gian học 4 năm hay 6 năm ở nước ngoài và trong nước đem đến chất lượng khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực múa cổ điển châu Âu. Các thầy dạy ba lê giỏi hiện nay đều là những người đã tốt nghiệp ở nước ngoài. Đơn giản vì học ở trong nước phải đối mặt với bao điều khiến ta phải phân tán như gia đình, bạn bè, rồi gánh lo về kinh phí, vật chất hàng ngày, trong khi đó ở nước ngoài mục đích duy nhất là học. Ngoài giờ học là nghỉ ngơi, giải trí và lại học. Các trường ở nước ngoài không thấy hiện tượng điểm danh nhưng mọi học viên đều hiểu rằng nếu họ không chuyên tâm thì sẽ ngay lập tức bị đào thải vì thế chất lượng đào tạo cũng tốt.
Nói thì ít ai tin nhưng thực tế chỉ có người trong ngành mới hiểu tại sao các nghệ sĩ và sinh viên trường múa lại thờ ơ với học bổng du học ở nước ngoài. Một phần do tuổi nghề đặc thù của diễn viên múa không dài, phần nữa, những người giỏi luôn được “săn đón” và có nhiều cơ hội kiếm tiền. Vì thế, khi có học bổng rồi, việc tìm người xứng đáng để thụ hưởng cơ hội đó cũng không phải dễ dàng. Thầy giỏi cũng dần ít hơn là vì thế.
° Đào tạo đã vậy, dường như vấn đề kịch bản múa cũng khá trầm kha?
- Cũng giống sân khấu, kịch bản múa khó khăn vô cùng. Trước đây Hội Nghệ sĩ múa cũng đã tổ chức thi viết kịch múa, nghệ thuật đỉnh cao, đòi hỏi tập trung tài năng trí tuệ của môn nghệ thuật này. Có tới 30 kịch bản múa gửi về dự thi nhưng cuối cùng không tác phẩm nào được chọn dựng vì chất lượng yếu quá. Sau nhiều nỗ lực muốn xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trong vài năm gần đây, một vài kịch bản cũng được đầu tư dàn dựng và công diễn như vở kịch múa Hà Thành (năm 2010). Những người trong nghề đều đánh giá cao vở diễn nhưng nhưng tiếc thay nó không được biểu diễn nhiều và công chúng cũng ít có điều kiện và cơ hội thưởng thức, để hiểu những tác phẩm được thực hiện rất công phu này.
|
“Thiếu nữ múa Chăm” - tác phẩm gắn liền với tên tuổi của NSND Lê Ngọc Canh. |
° Vì sao có chuyện đánh đồng nghệ thuật múa với múa minh họa?
- Múa minh họa cho ca khúc hay còn gọi là múa trang trí cũng là một phần của múa. Trong lĩnh vực này, có những biên đạo tâm huyết, có nghề và trách nghiệm cũng đã đưa lại kết quả tốt trong việc múa minh họa cho các tác phẩm âm nhạc, nhưng tiếc thay có một số người mải chạy “sô” nên cứ làm ào ào, chỉ dừng lại ở việc đáp ứng không khí của bài hát khiến dư luận dị nghị và người làm nghề chân chính cũng hết sức đau lòng.
° Múa minh họa có đem lại nguồn chính sống của các nghệ sĩ múa hiện nay?
- Cũng không hẳn. Những biên đạo múa giỏi ít khi làm những việc như vậy mà chủ yếu rơi vào trường hợp các biên đạo không chuyên. Những nghệ sĩ múa giỏi cũng vậy, họ cũng đắn đo kỹ lưỡng trong việc chọn thể hiện chương trình nào. Việc từ chối không hẳn vì những người chuyên nghiệp có nhiều cơ hội và có thể sống tốt với nghề mà nhiều người nuôi dưỡng tình đam mê, sự trân trọng múa bằng những công việc “tay trái”. So với nhiều môn nghệ thuật khác, nghệ sĩ múa có cuộc sống khó khăn hơn nhiều!
° Vì thế mà đầu vào của ngành múa ngày càng ít dần?
- Luyện tập cơ cực, vất vả trong 7 năm liên tục (từ khoảng 9 - 10 tuổi) nhưng khi ra trường cơ hội cho các diễn viên cũng rất ít ỏi. Nhu cầu về diễn viên múa của các nhà hát không nhiều mà tuổi nghề ngắn (chỉ khoảng 40 tuổi đã không còn cơ hội đứng trên sàn múa), sự thưa vắng cũng dễ hiểu. Phải thực sự đam mê, thần tượng và yêu nghề múa lắm mới có thể theo học và sống chết được với nghề. Và tôi tin rằng sự yêu và đam mê đó của lớp trẻ sẽ thúc đẩy tiến trình phát triển, tạo nên những bước đột phá của nghệ thuật múa Việt Nam.
° Xin cảm ơn ông!
THU HÀ-SGGP