Sự suy thoái của các dòng truyện tranh ngoại tạo cơ hội cho truyện tranh Việt Nam trỗi dậy với những tác phẩm thu hút lượng độc giả lớn. Tuy chưa thật sự thành hình nhưng khái niệm “Phong cách truyện tranh Việt Nam” cũng đã bắt đầu được đề cập đến như một khẳng định sự phát triển của truyện tranh Việt Nam hiện nay.
Từ mâu thuẫn Manga-Comic
Nếu có một công trình nghiên cứu về lịch sử truyện tranh Việt Nam, bộ truyện tranh của Công ty Phan Thị “Thần đồng Đất Việt” chắc chắn chiếm một vị trí quan trọng. Đây là bộ truyện tranh dài kỳ đầu tiên thành công cả về mặt doanh thu và uy tín. Thậm chí, thành công của nó còn càng thêm rực rỡ vì đã thắng lợi ngay trong thời điểm truyện tranh ngoại còn đang phát triển mạnh.
Thế nhưng, khi mới xuất hiện và ngay cả khi đã có chút tên tuổi, “Thần đồng Đất Việt” với cách thể hiện nghiêng về hướng Manga (phong cách truyện tranh Nhật) đã từng trở thành tâm điểm của một cuộc chiến về việc lựa chọn phong cách thể hiện cho truyện tranh trong nước giữa một bên ủng hộ thể loại Manga và một bên ủng hộ Comic (phong cách truyện tranh châu Âu). Phái Manga cho rằng đây là cách thể hiện mang đậm tính điện ảnh, bạn đọc nhỏ tuổi đã quen thuộc, dễ chấp nhận. Phái Comic phản bác rằng cách vẽ như thế quá cường điệu, làm méo mó hình ảnh nhân vật vốn lấy từ các nhân vật vĩ nhân trong lịch sử đất nước.
Tuy nhiên, cùng với việc hàng loạt bộ truyện tranh Việt Nam theo phong cách Comic thất bại, và cả việc các bộ truyện tranh Comic nổi tiếng thế giới khi vào Việt Nam đều có doanh thu khá ảm đạm, các cuộc tranh cãi dần lắng xuống và Manga lặng lẽ trở thành cách thể hiện chính cho truyện tranh Việt Nam.
Đến định hình phong cách riêng
Vấn đề phong cách truyện tranh Việt Nam xuất hiện trở lại sau Festival truyện tranh Việt Nam vừa qua. Trong cuộc hội thảo “Cơ hội và thách thức” được tổ chức trong Festival, ông Sylvain Lemay - giảng viên đại học về truyện tranh của Canada cho rằng mỗi quốc gia đều có thể tìm ra một phong cách truyện tranh phù hợp. Theo ông, bên cạnh những tác phẩm truyện tranh nổi tiếng của thế giới, truyện tranh Việt Nam trong mắt ông “cũng đã bắt đầu bộc lộ một phong cách riêng”.
Sau nhận xét này, người ta bắt đầu nhìn lại các tác phẩm truyện tranh Việt Nam hiện nay. Nổi bật là hai bộ truyện tranh “Orange” với đề tài về giới trẻ hiện nay cùng niềm đam mê thể thao và “Danh tác Việt Nam” chuyển thể thành truyện tranh những tác phẩm nổi tiếng của văn học trong nước như “Chí Phèo”, “Tắt đèn”, “Giông tố”…
Điểm ấn tượng nhất ở các bộ truyện tranh này là nét văn hóa Việt được thể hiện rất rõ ràng, từ hình ảnh những làng quê Việt Nam thời Pháp thuộc, thời hiện đại đến những khu chợ đô thị, cuộc sống của thanh thiếu niên hiện nay…
Tất cả đều gần gũi, thân thuộc và đó cũng được coi là một trong những nét làm nên thành công của các bộ truyện. Ngay cả bộ “Thần đồng Đất Việt” cũng đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng khi góp một phần vào việc giáo dục lịch sử cho các em thiếu nhi thông qua những câu chuyện, hình vẽ đậm nét văn hóa Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng trên thực tế các bộ truyện tranh này vẫn chịu ảnh hưởng của phong cách Manga. Tuy nhiên, Việt Nam vốn dĩ không có một phong cách truyện tranh riêng của mình, việc học hỏi và phát triển từ một phong cách truyện tranh nổi tiếng là điều dễ hiểu. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã làm như thế và dần dần định hình những phong cách truyện tranh riêng của mình như Manhua (Trung Quốc) hay Manhwa (Hàn Quốc).
Truyện tranh là sản phẩm văn hóa được giới trẻ, từ nhi đồng đến thanh thiếu niên đọc rất nhiều nên được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách. Việc truyện tranh Việt dần tạo được sức thu hút, xây dựng phong cách riêng đã góp phần đem đến tín hiệu lạc quan cho thị trường sách thiếu nhi trong nước.
Tường Vy-SGGP