Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 3/7/2011 9:58'(GMT+7)

Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Còn đó những nỗi niềm?

Ước nguyện một đời nghệ sĩ

Lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7, có gần 140 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 466 hồ sơ cho NSƯT. Ở danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, nhiều người đã khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng, như các NSƯT: Nguyễn Tiến, Hồng Ngát, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Quốc Anh, hề chèo Xuân Hinh… của Hà Nội; Lệ Thủy, Hồng Vân, Bạch Tuyết, vợ chồng nghệ sĩ múa Đặng Hùng - Vương Linh…của TP Hồ Chí Minh; giới điện ảnh có: Đạo diễn Đào Bá Sơn, Nguyễn Thanh Vân; đạo diễn phim hoạt hình Phạm Minh Trí; diễn viên Bùi Cường, Bùi Bài Bình, Hà Xuyên, Lê Cung Bắc…

Nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng khó có cơ hội giành huy chương để mang đi xét danh hiệu.

Đặc biệt, danh sách phong tặng NSƯT có khá nhiều gương mặt trẻ: Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, diễn viên múa Linh Nga, Thùy Chi, "hoàng tử" violon Bùi Công Duy, ca sĩ opera Lê Thị Vành Khuyên, diễn viên Kim Oanh, Tự Long...

“Đã là nghệ sĩ, cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, ai cũng mong tài năng của mình được công chúng đón nhận, được xã hội thừa nhận”- nghệ sĩ hát opera Lê Thị Vành Khuyên bày tỏ. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Lê Tiến Thọ khẳng định, danh hiệu NSƯT, NSND là tấm “bảng vàng thành tích”, là niềm tự hào, là động lực để họ tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật.

Nhiều băn khoăn

Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ký ban hành “Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” được áp dụng từ ngày 30-8-2010. Theo đó, việc xét tặng danh hiệu sẽ được tiến hành 2 năm/lần (trước là 5 năm/lần).  Đối tượng được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cần có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm, NSƯT 15 năm trở lên (loại hình nghệ thuật Xiếc thì thời gian hoạt động từ 15 năm với NSND và 10 năm với NSƯT ), có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế.

NSƯT Quốc Anh - vai diễn Nguyễn Trãi trong vở chèo “Oan khuất một thời”, là nghệ sĩ hiếm hoi của sân khấu vẫn còn được giao vai chính để tham gia hội diễn toàn quốc.

Nhìn vào những tiêu chuẩn trên, có thể thấy rằng, việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ ở tuổi đang sung sức và ở độ “chín” của tài năng, vừa góp phần động viên, khích lệ các nghệ sĩ, vừa tăng thêm giá trị của danh hiệu. Tuy nhiên, không ít băn khoăn của người trong cuộc bày tỏ đối với những “tiêu chuẩn” cho danh hiệu này.

Đối với diễn viên múa, xiếc, tuổi nghề cực kỳ ngắn ngủi, ra trường hoạt động được 7-10 năm, nghệ sĩ múa nữ cống hiến qua tuổi 30 đã gần như không còn được giao vai diễn, nam nhiều hơn thì đến tuổi 35. Múa rối càng khó, vì phải 9 năm mới có hội diễn một lần và không phải ai cũng được khán giả biết mặt biết tên… Thành tích-tiêu chuẩn định tính của xét tặng danh hiệu là phải có 2 huy chương vàng toàn quốc hoặc quốc tế cho NSƯT và NSND. Nhưng thực tế hiện nay, việc tổ chức các kỳ hội diễn, liên hoan của chúng ta mới chỉ dừng ở con số 5 năm/lần. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, quy định trên khiến nghệ sĩ thấy mình luôn phải nỗ lực để “hái sao trên trời”.

NSƯT Nguyễn Tiến - Phó giám đốc Nhà hát Quân đội và là nghệ sĩ đàn bầu có tiếng ở Việt Nam cho rằng, đối với những người đã được công nhận NSƯT có thành tích huy chương rồi rất khó lại tiếp tục “gặt hái” nhiều huy chương nữa. Với biểu diễn nhạc cụ dân tộc, có thể nhiều cơ hội để thi độc tấu, giành huy chương, nhưng với các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng, ngoài violon, piano, hay hát opera khó có nhạc công nào độc tấu một mình. Nghệ sĩ Nguyễn Tiến đưa ra quan điểm, giải thưởng là cần thiết, nhưng 2 huy chương vàng thì khó cho nghệ sĩ quá! Tiêu chí chỉ nên một giải vàng, và quan trọng là quá trình cống hiến, đạo đức, thái độ chính trị…

Thêm một yếu tố băn khoăn, đó là việc quy đổi huy chương. Tính riêng - đối với Hội diễn nghệ thuật toàn quân, hai huy chương vàng quy đổi mới được một huy chương vàng toàn quốc. Vậy là để có 2 huy chương vàng toàn quốc phải có 4 huy chương vàng toàn quân, 5 năm mới có 1 kỳ hội diễn, như vậy có nghĩa là nghệ sĩ muốn đạt danh hiệu NSƯT thì phải có 20 năm liên tục đi hội diễn, vào các vai diễn xuất sắc, phải giành liên tục giải vàng trong 20 năm. Tất nhiên, nghệ sĩ Quân đội còn có nhiều cơ hội tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan của toàn quốc, nhưng không phải tài năng nào - chỉ tính trong 10 năm (tức 2 hội diễn) thôi cũng đều được chọn vào các vai diễn chính, vở diễn xuất sắc, bởi nghệ thuật luôn “sản sinh” ra các gương mặt trẻ!

        Nghệ sĩ múa Linh Nga thuộc thế hệ 8X có hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 7 này.

Còn một thực tế nữa, các nghệ sĩ tự do, các nghệ sĩ hoạt động ngoài đơn vị công lập thì cơ hội tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan để giành giải là rất ít. TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, các đơn vị này đóng góp rất đáng kể cho sinh hoạt văn hóa tinh thần ở địa phương, nhưng qua các kỳ hội diễn toàn quốc, danh sách nghệ sĩ được xướng tên nhận giải vàng là rất hiếm. Bởi, không phải hội diễn, liên hoan nào họ cũng được quyền tham gia. Mới đầu năm đây thôi, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Liên hoan hát Tuồng truyền thống, đối tượng dự thi liên hoan cũng được co cụm trong độ tuổi từ 35 đến 40. Vậy vai diễn nào cho những người từ 45 tuổi trở lên và những NSƯT giành giải vàng để có đủ 2 huy chương vàng cho việc xét danh hiệu NSND?

Như lời của nghệ sĩ Nguyễn Tiến, hầu hết những nghệ sĩ biểu diễn đã được phong tặng NSƯT đều nhường lại “sân” cho lớp trẻ và sang làm công việc khác. Ví dụ như nghệ sĩ chèo, tuồng, kịch, múa, điện ảnh… làm đạo diễn, biên đạo, dàn dựng vở; nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc làm giảng viên, có người sáng tác… Vậy nên, việc công nhận danh hiệu NSND không thể đếm nghệ sĩ ấy có bao nhiêu huy chương, mà phải là người chín chắn trong nghề nghiệp, có tên tuổi trong công chúng, được đồng nghiệp kính nể và quan trọng là góp công sức vào sự phát triển của nghệ thuật, cho đơn vị mình phục vụ và có học trò tiếp nối.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, theo Thông tư 06, giải thưởng (huy chương) chỉ là một trong những tiêu chuẩn để xét, những tiêu chuẩn như trung thành với Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp, gương mẫu, tận tụy với nghề; có tinh thần phục vụ nhân dân; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ... đó mới là những tiêu chuẩn “cứng”.

Nhưng rõ ràng, với việc xét tặng, khi đã đưa ra những con số định tính (huy chương) và số năm cống hiến thì chắc chắn bước đầu tiên đánh giá hồ sơ nghệ sĩ sẽ là những con số ấy. Nhiều ý kiến cho rằng, khó có tiêu chuẩn chung cho những “giá trị” bên ngoài con số, khi mà phụ lục hướng dẫn kèm theo cho từng bộ môn nghệ thuật không có trong Thông tư 06. Ai sẽ xứng đáng là NSND, NSƯT? Có lẽ công chúng chỉ có thể chờ vào dịp 2-9, khi Bộ VH-TT&DL công bố./.

Sau 6 đợt phong tặng danh hiệu, Việt Nam có 191 NSND (trong đó có 44 nữ); 1.580 NSƯT (524 nữ).

(Vương Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất