Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 3/7/2011 21:46'(GMT+7)

Định dạng lại phim hoạt hình

 

Ra đời sau phim tài liệu và phim truyện, phim hoạt hình nước ta đã có hơn nửa thế kỷ sinh tồn. Năm 1960 đánh dấu mốc phát triển đầu tiên bằng sự ra đời của bộ phim ngắn “Đáng đời thằng Cáo”, đội ngũ ít ỏi những người làm hoạt hình Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn vất vả, từ đó vươn lên. Đã từng có tác phẩm đoạt giải quốc tế và nhiều giải thưởng trong nước. Đã từng diễn ra những phong trào xem và làm theo phim hoạt hình của thiếu niên nhi đồng. Cũng đã từng xuất hiện những tên tuổi nghệ sĩ hoạt hình nổi tiếng và đi vào sử sách chuyên ngành.

Vậy nhưng, về tổng thể, qua nhiều thập niên, phim hoạt hình Việt Nam chưa thực sự thoát ra khỏi nếp hoạt động cũ, vẫn chủ yếu chỉ sử dụng các phương tiện thể hiện quen thuộc là vẽ, cắt giấy và búp bê. Lại vẫn nhất mực lấy thiếu niên nhi đồng làm đối tượng phục vụ gần như duy nhất.

Do xuất phát từ “định hướng” cũ, phim hoạt hình Việt Nam có xu hướng “giản dị hóa” đề tài, chỉ triển khai những nội dung thuần nhất, dễ hiểu, phù hợp với cảm nhận của tuổi thơ. Vì vậy, phần lớn phim hoạt hình trong thời gian qua là những trình diễn đơn giản các câu chuyện cổ tích, đồng dao, những hư cấu ngọt ngào về bé ngoan và về những bài học đầu đời khám phá thế giới xung quanh…

Việc tác giả phim cố gắng “trẻ thơ hóa” tư duy và biện pháp tường thuật các câu chuyện hoạt hình, trên thực tế đã giúp tạo ra sự cộng hưởng nhất định giữa tác phẩm với công chúng nhỏ tuổi, song cũng không tránh khỏi trong thực tế đã tạo ra hiệu năng khiên cưỡng, minh họa, sơ sài. Biện pháp đơn giản hóa nói trên có thể đem đến sự dễ hiểu, song lại làm mất đi hoặc làm giảm thiểu khả năng tưởng tượng, sáng tạo rất cần thiết nơi tuổi thơ.

Hiện tượng ít trăn trở tìm tòi, thiếu hoạt động đột phá vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao nghệ thuật hoạt hình đương đại, đồng thời không tích cực tạo ra dòng chảy quảng bá sâu rộng phim hoạt hình Việt, đã khiến loại hình điện ảnh này mất đi chỗ đứng cần thiết trên thị trường.

Ngày nay, trên bình diện quốc tế, cùng với các quá trình phát triển vũ bão của kỹ nghệ chế tác hoạt hình, phim hoạt hình nhiều nước phát triển đã thay đổi sâu sắc: đề tài, thể loại được mở rộng tận cùng, phương thức thể hiện được phong phú hóa cao độ.

Người ta giờ đây không ngừng tận dụng triệt để kỹ thuật, kỹ xảo phối hợp với hình vẽ, con rối, thể hiện sâu xa thế giới con người cũng như thế giới tự nhiên. Bằng lối vẽ mang tính phóng đại, các hình mẫu hoạt hình hiện đại có khả năng hiện thân cho bất cứ loại nhân vật nào.

Hình vẽ cùng với búp bê và con người, trong tư thế phối hợp diễn xuất chung cũng đem lại những hiệu quả ngạc nhiên, phim hoạt hình hiện đại còn sử dụng kỹ thuật 3D, 4D và nhiều hình thức biểu hiện rất phong phú khác, có thể trở thành tuyệt tác. Nội dung phim hoạt hình có thể dung chứa hầu như mọi vấn đề của thời đại, của cuộc sống. Do đó, đối tượng phục vụ của nó là cả trẻ em lẫn các thành phần lớn tuổi.

Con đường điện ảnh hoạt hình Việt Nam đi tới cần được chú trọng vun đắp chỉnh trang cho phù hợp với thời đại cùng nhu cầu cuộc sống đương thời. Trước hết, cần tập trung chế tác nhiều tác phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng như đã làm lâu nay bằng những tìm tòi, sáng tạo mới cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện; sao cho sâu sắc, nhuần nhuyễn, sinh động và chân thực.

Bên cạnh đó, để phim hoạt hình Việt có thể phát triển bền vững, phát huy tác dụng nghệ thuật cũng như xã hội vốn có của nó, cần nhanh chóng định dạng và có biện pháp hữu hiệu mở rộng đối tượng phục vụ sang các đối tượng người xem đông đảo khác. Đã đến lúc cần sử dụng phim hoạt hình như một loại thể đa năng dành cho mọi công chúng, và qua nó thực hiện truyền bá thẩm mỹ, bổ sung kiến thức và cung cấp chất liệu giải trí cho đông đảo người xem.

Đội ngũ nghệ sĩ làm phim hoạt hình, trong đó chủ yếu là đội ngũ biên kịch, đạo diễn và họa sĩ cần được tập hợp lại, cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bồi bổ tư duy và phương pháp mới thể hiện các hình tượng hoạt hình.

Song song đó, cần xây dựng cơ chế quản lý hữu hiệu trong các khâu sản xuất, gia công (trong và ngoài nước) cũng như quảng bá phim hoạt hình trong tình hình hiện nay đối với cơ sở Nhà nước cũng như các cơ sở tư nhân. TPHCM đã từng cùng với Hà Nội là hai địa phương lớn của nước ta có cơ sở Nhà nước sản xuất phim hoạt hình, nhưng từ lâu đã vắng bóng, nay vì nhiều lẽ, cần được tính toán phục hồi lại.

Phim hoạt hình Việt Nam đang đứng trước những đích đến cụ thể, rõ ràng. Tương lai phát triển chờ đợi chủ trương và hành động cụ thể, rõ ràng của cấp quản lý cũng như giới sáng tác phim hoạt hình nước nhà.

Theo Trần Luân Kim/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất