(TG) - Đã bao giờ bạn ngửi thấy mùi khói thuốc khi bước vào thang máy vừa có người hút thuốc không lâu trước đó? Khi ấy, bạn đang hít phải khói thuốc gián tiếp mà không hề hay biết đấy!
Hút thuốc gián tiếp – thirdhand smoke là gì?
Khác với người trực tiếp hút thuốc và hút thuốc bị động (secondhand smoke), hút thuốc gián tiếp – thirdhand smoke là một hình thức đưa những chất độc hại vào cơ thể bằng cách tiếp xúc với những vật dụng bám khói thuốc. Các chất trong khói thuốc lá có thể phản ứng với các chất ô nhiễm đã có sẵn trong không khí để tạo thành những hợp chất có khả năng gây ung thư. Khói thuốc rất nguy hại đến sức khoẻ những người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em.
Tại sao tiếp xúc với vật dụng bám khói thuốc lại nguy hiểm?
Báo cáo chung của các bác sĩ phẫu thuật vào năm 2006 cho thấy, việc tiếp xúc với thuốc lá có rất nhiều rủi ro. Nguyên nhân là do trong khói thuốc lá có chứa đến 250 độc tố, trong đó có cả chất chì. Nghiên cứu khác còn cho thấy khi tiếp xúc với lượng nhỏ khói thuốc cũng có thể khiến chỉ số IQ của bạn giảm đi.
Trong thuốc lá có chứa xyanua, một chất được sử dụng trong vũ khí hóa học. Chất này thực sự gây trở ngại cho huyết sắc tố, còn gọi là hemoglobin, là một chất nằm trong tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến khắp cơ thể. Thuốc lá còn chứa asen, một chất độc mà con người dùng để giết chuột.
Sau khi hút, khói thuốc sẽ lưu lại rất lâu trên cơ thể, quần áo và tóc của người hút. Đó là chưa kể đến các vật dụng trong nhà như màn cửa, tường, giường ngủ, thảm chùi chân, xe và các bề mặt khác cũng bị ám mùi. Trẻ em và người không hút thuốc có thể bị ảnh hưởng khi họ hít thở, ăn uống và tiếp xúc với các vật dụng.
Lượng khói thuốc sẽ tích tụ trên bề mặt vật dụng theo thời gian. Chúng ta không thể làm sạch chúng bằng cách thông thường như mở hết các cửa cho không khí vào, sử dụng quạt hoặc máy lạnh. Chỉ có một cách duy nhất để chúng ta bảo vệ sức khoẻ là tạo ra môi trường không khói thuốc ở mọi nơi dù đó là nhà riêng, trên xe hơi hoặc ở những nơi công cộng như khách sạn và nhà hàng.
Trong khói thuốc lá có rất nhiều chất độc hại
Kể cả khi dập điếu thuốc thì các chất gây hại trong khói thuốc vẫn còn. Theo nghiên cứu thì đa số những người hút thuốc đều không biết về hút thuốc gián tiếp có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong một khảo sát ngẫu nhiên 1500 người về tác hại của thuốc lá, chỉ 65% người không hút và 43% người hút thuốc đồng ý rằng “hít thở không khí trong căn phòng có ám mùi thuốc lá từ hôm qua có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em.
Tại sao trẻ em lại chịu nguy hại cao hơn người lớn khi chạm vào vật dụng ám mùi khói thuốc?
Chỉ có bộ não người đang phát triển mới dễ bị nhiễm độc mức độ thấp. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất hay tiếp xúc với các bề mặt như sàn nhà. Các bé có xu hướng chạm hoặc thậm chí là ngậm các bề mặt bị ô nhiễm, đặc biệt là ở độ tuổi mọc răng. Trẻ em rất dễ ăn phải lượng bụi gấp đôi so với người lớn do chúng hô hấp nhanh hơn và hay chơi gần với bề mặt bụi bặm. Do đó, khói thuốc ảnh hưởng nguy hại đến trẻ em nhiều hơn so với người lớn.
Nghiên cứu trên động vật như chuột cho thấy tiếp xúc với độc tố trong thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của hội chứng trẻ sơ sinh chết đột ngột (SIDS). Giả thuyết được đưa ra cho nguyên nhân trên là do ức chế hô hấp.
Nơi nào hoặc vật dụng nào tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bạn hút thuốc gián tiếp nhất?
Bất cứ nơi nào có không gian khép kín thì bạn cũng nên chú ý vì nó có khả năng còn lưu trữ mùi thuốc rất lớn.
Với những lý do trên, bạn đừng chần chừ nữa mà hãy ngưng ngay thói quen hút thuốc với bài viết: Hành trình 7 giai đoạn cai thuốc lá thành công.
Mọi nghiên cứu được thực hiện đều với mong muốn những người hút thuốc có thể bỏ thuốc lá, bởi đây là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con cái của họ. Chúng ta cần phải có sự thông cảm cho người hút thuốc và giúp họ bỏ hút thuốc, và hi vọng vào một tương lai mà những nơi công cộng sẽ ít có khói thuốc lá hơn./.
Thanh Thúy