Thứ Bảy, 21/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 15/5/2013 9:37'(GMT+7)

Mười năm thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình ở Lào Cai

Để triển khai có hiệu quả Pháp lệnh Dân số, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện Pháp lệnh như: Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) theo tinh thần Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, ban hành quy định về phong trào thi đua thực hiện công tác dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh, phê chuẩn chính sách hỗ trợ công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình tỉnh giai đoạn 2009 – 2015… coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Qua công tác triển khai Pháp lệnh dân số cho thấy: các sở, ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đều tích cực thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gương mẫu thực hiện Pháp lệnh Dân số; có sự phối hợp liên ngành trong truyền vận động, quần chúng nhân dân thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình theo chức năng nhiệm vụ được giao; đặc biệt, các đơn vị đều đưa các tiêu chí thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trong việc bình xét thi đua, khen thương hàng năm; 100% các huyện thành phố đều có các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về công tác DS-KHHGĐ với mục tiêu nhằm giảm mức sinh, không sinh con thứ 3 trở lên, chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ...

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp lệnh Dân số được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng là cách làm hiệu quả giúp cho phần lớn cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đúng về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Từ năm 2003 đến nay, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã tuyên truyền trực tiếp cho 117.380 lượt cán bộ, nhân dân, chiến sỹ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên về pháp luật nói chung và Pháp lệnh Dân số nói riêng. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (nay là Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) đã phối hợp biên soạn, phát hành 5.000 cuốn sổ tay tuyên truyền hỏi - đáp về Pháp lệnh Dân số; tổ chức 40 lớp tập huấn cho cộng tác viên dân số; nhân bản 1.300 băng audio bằng 4 thứ tiếng (Kinh, Mông, Dao, Giáy) có nội dung về Pháp lệnh Dân số; mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

 Những cách làm sáng tạo ở cơ sở đã đưa Pháp lệnh Dân số vào cuộc sống. Đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thôn, bản đã tuyên truyền, vận động, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, giúp người dân nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tự nguyện thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Điểm nhấn là nội dung chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được đưa vào hương ước, quy ước của thôn, bản.

Ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh cho biết: Hàng năm Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp đều trực tiếp chỉ đạo các ngành, đoàn thể tham gia các hoạt động truyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại địa phương. Qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách về DS-KHHGĐ đến nay đa số người dân trong tỉnh đã chấp nhận mô hình gia đình ít con. Đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tại thành phố Lào Cai, các huyện vùng thấp như Bảo Thắng, Bảo Yên,Văn Bàn (chiếm 57,3 % dân số toàn tỉnh) đã đạt và tiệm cận với mức sinh thay thế là 1,2%; toàn tỉnh tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn duy trì trên 70%.

Đối với việc thi hành các nội dung cơ bản của Pháp lệnh Dân số, như điều chỉnh quy mô dân số, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, điều chỉnh cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số, quản lý Nhà nước về dân số... được tỉnh thực hiện tương đối tốt. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số. Điều này có thể thấy rõ ở một số chỉ tiêu cơ bản về dân số, kế hoạch hóa gia đình trong 10 năm qua.

Năm 2003, tỷ suất sinh thô của tỉnh là 24,86%0, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 15,28%, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng 67,02%. Năm 2012, tỷ suất sinh thô của tỉnh là 19,07%0, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 11,24%, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng 76,25%.

Để thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Dân số, hằng năm, tỉnh ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em; khuyến khích những người thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Từ năm 2003 - 2012, toàn tỉnh có 223 tập thể, 375 cá nhân được khen thưởng. Song song với khen thưởng, tỉnh cũng xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Thời gian qua, toàn tỉnh có 56 trường hợp bị xử lý; nhiều gia đình sinh con thứ 3 không được công nhận gia đình văn hóa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai và thực hiện Pháp lệnh Dân số tại tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, một phần do sự hạn chế về nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đúng về vấn đề DS - KHHGĐ. Sự phối, kết hợp và lồng ghép công tác dân số với các chương trình khác còn yếu, chưa có những giải pháp tích cực để huy động các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội cho công tác DS – KHHGĐ. Thậm chí ở một số địa phương còn tồn tại những hủ tục tập quán, lạc hậu, tư tưởng trọng nam hơn nữ còn nặng nề; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, tảo hôn còn xảy ra ở một số địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện: Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát.  Bên cạnh đó, chính quyền một số xã còn chưa quan tâm, thiếu kiên quyết trong xử lý các cá nhân cố tình vi phạm do thiếu chế tài cụ thể bởi một số điều, khoản trong Pháp lệnh Dân số quy định chưa thật chặt chẽ, rõ ràng đã gây nhiều tranh cãi và dẫn đến hiện tượng “lách luật” trong nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh Dân số trong thời gian tới, ông Đỗ Sỹ Hùng cho biết: Cần có Luật Dân số thay thế cho Pháp lệnh Dân số, trong đó, quy định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về dân số đối với chính quyền địa phương các cấp. Cần có những chế tài quy định rõ ràng, cụ thể hơn về hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách dân số; các mức độ vi phạm, mức độ xử lý và thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình các cấp; đa dạng hóa hình thức và phương thức tuyên truyền, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng; nghiên cứu, xây dựng và triển khai các đề án, mô hình can thiệp, nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh. Đặc biệt, các địa phương cần triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để đạt được các mục tiêu quan trọng về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư.  Ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, trình ban hành những chính sách khuyến khích hỗ trợ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân số và điều kiện của địa phương trong mỗi giai đoạn cụ thể.

Nguyên Sa (Lào Cai)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất