Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 25/4/2013 14:18'(GMT+7)

Triển khai chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020

Chiều 24/4, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức Hội thảo triển khai Quyết định số 1555/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020.

Ngay sau khi phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 1991) và Chính phủ đã triển khai CTHĐQGVTE giai đoạn 1991-2000. Chương trình này là một công cụ quản lý nhà nước vĩ mô nhằm mục đích kế hoạch hoá và hiện thực hoá các quyền trẻ em trong thực tiễn.

Ngày 17/12/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020. Mục tiêu tổng quát của chương trình là Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

Các mục tiêu cụ thể của chương trình là:

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 26% vào năm 2015 và xuống còn 23% vào năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2015 và xuống 10% vào năm 2020. Duy trì trên 95% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đến năm 2020.

- Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 99% và ở bậc trung học cơ sở là 95%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật.

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em vào năm 2015 và xuống 5% vào năm 2020; tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển lên 80% vào năm 2015 và lên 85% vào năm 2020; số trẻ em bị bạo lực giảm 20% vào năm 2015 và giảm 40% vào năm 2020; giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2015 và xuống 450/100.000 trẻ em vào năm 2020.

- Tăng số xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt tiêu chuẩn lên 50% vào năm 2015 và lên 55% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp lên 20/100.000 trẻ em vào năm 2015 và lên 25/100.000 trẻ em vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em lên 70% vào năm 2015 và lên 80% vào năm 2020.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em (CTHĐQGVTE) giai đoạn 2012-2020 là chương trình chu kỳ 10 năm lần thứ 3. Qua kết quả thực hiện của hai chu kỳ trước, các đại biểu đã thảo luận, đúc rút những bài học kinh nghiệm. Đó là:

Thứ nhất, CTHĐQGVTE là kế hoạch mang tính chiến lược và định hướng, không có nguồn ngân sách đầu tư trực tiếp để thực hiện các mục tiêu, nên kết quả thực hiện chương trình phụ thuộc vào sự lồng ghép nội dung hoạt động và chỉ tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm.

Thứ hai, Chương trình là sự điều phối liên ngành của Chính phủ nhưng đôi khi vẫn được nhận thức là chương trình của cơ quan được Thủ tướng giao chức năng chủ trì, phối hợp thực hiện nên thiếu sự đôn đốc, kiểm tra trực tiếp của Thủ tướng, thiếu một tổ chức có chức năng và quyền hạn phối hợp liên ngành mạnh, nên chỉ những mục tiêu thuộc chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của một Bộ mới có nhiều khả năng đạt được. Những mục tiêu cần sự phối hợp liên ngành như mục tiêu bảo vệ trẻ em khó đạt hơn.

Thứ ba, vì lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em xuyên suốt chức năng của nhiều ngành, lĩnh vực nên các vấn đề về nội dung, mục tiêu của chương trình vừa phải mang tính tổng thể, vừa mang tính trọng tâm, đột phá. Bên cạnh các chiến lược ngành, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình quốc gia có liên quan đến trẻ em, cần có những chương tình, đề án để giải quyết những vấn đề cấp bách, mới xuất hiện hoặc những khoảng trống về chính sách, đầu tư, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em.

Thứ tư, trước những đòi hỏi cao của việc đáp ứng quyền trẻ em, của chất lượng con người và nguồn nhân lực mang tính cạnh tranh ngày càng cao, ngân sách Nhà nước thường khó đáp ứng được đầy đủ. Do vậy, cần vận động sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội, của cộng đồng, hướng các hoạt động xã hộ và từ thiện vì trẻ em vào thực hiện các mục tiêu của chương trình.

Thứ năm, việc đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình phải gắn chặt với đánh giá, giám sát thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội ngành và địa phương. Việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về quyền trẻ em và thực hiện chương trình có sự chia sẻ, cập nhật, phối hợp thông tin đa cấp, đa ngành sẽ làm cho việc giám sát, đôn đốc thực hiện và đánh giá hiệu quả Chương trình tốt hơn.

Tại hội thảo, đại diện các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Kon Tum, tỉnh Ninh Thuận, Đài truyền hình Việt Nam trình bày những nhóm giải pháp để thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020.

Các ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh để chương trình thực hiện có kết quả, cần nhiều quy định mang tính pháp lý, cần sự đóng góp mang tính trách nhiệm và đạo lý của các tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới đã được các đại biểu đề xuất tại hội thảo, cụ thể như: Trung ương cần chỉ đạo kiện toàn hệ thống bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em các cấp đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Các ngành chức năng có liên quan cần xây dựng kế hoạch, đề án để cụ thể hóa các mục tiêu do ngành hoặc đoàn thể đảm trách; đưa các mục tiêu của chương trình vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em, các mục tiêu trong giai đoạn 2012-2020 cần được đẩy mạnh. Phát huy tốt hơn vai trò của hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn trong các đối tượng trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em thực hiện tốt quyền tham gia ý kiến./.

Bảo Châu



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất