Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 18/6/2009 16:33'(GMT+7)

Muốn định hướng dư luận phải giành quyền chủ động thông tin

 Đã xảy ra trên thực tế không ít mâu thuẫn, thậm chí xung đột giữa hai bên, cho dù đã có khá nhiều văn bản pháp lý quy định vấn đề này. Để cụ thể hóa điều 7 trong Luật báo chí quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, tháng 5-2007, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Mới đây nhất, Thủ tướng lại ban hành tiếp quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đối với một số bộ, ngành kinh tế. Mục tiêu của các văn bản trên và quy chế hóa việc cung cấp thông tin cho báo chí trong một tinh thần hợp tác chung vì lợi ích đất nước và nhân dân, vì lợi ích của bạn đọc

Điều 7 Luật báo chí quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”. Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí cũng quy định rõ chế dộ cung cấp thông tin cho báo chí (thường kỳ và đột xuất) đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cơ quan hành chính nhà nước) theo quy định của pháp luật về báo chí hiện hành. Trong quy chế này quy định trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thuộc về người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đúng đâu ủy quyền giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trong quy chế này ghi rõ: ‘’Người được người đứng đâu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn: là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước; có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan; am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.’’

Trên thực tế, chưa phải tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, đoàn thể xã hội cũng như các doanh nghiệp đều đã quán triệt kỹ và tổ chức thực hiện tốt quy chế trên. Nhiều tổ chức chưa nhận rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, chưa cử người phát ngôn và chưa thực hiện chế độ định kỳ và đột xuất cung cấp thông tin cho báo chí. Không ít tổ chức chưa sẵn sàng quan hệ với các cơ quan báo chí và nhà báo để cung cấp thông tin cho họ, thậm chí không ít trường hợp ‘’né tránh’’ báo chí, cản trở báo chí trong thu thập thông tin. Hậu quả là nhiều trường hợp báo chí đã thông tin về các sự kiện, sự việc không đầy đủ, chưa đúng với bản chất, thậm chí thiên lệch, thiếu toàn diện và có trường hợp sai sự thật.

Lẽ tất nhiên, để tạo dựng mối quan hệ thật sự tốt đẹp trên tinh thần hợp tác vì lợi ích chung, phụ thuộc cả hai phía - người cung cấp thông tin (các tổ chức và cá nhân) và người được cung cấp thông tin (nhà báo và các cơ quan báo chí). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập một số vấn đề liên quan đến người cung cấp thông tin.

Trước hết về nhân thức, phải thấy rõ, các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các tổ chức, đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp có quyền và có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội cũng như trước pháp luật về thông tin đó. Ở đây cần nói rõ lợi ích của việc chủ động thông tin và cung cấp kịp thời các thông tin đúng đắn, chính xác. Trước các sự kiện, sự việc, vấn đề mà dư luận đang quan tâm và rất cần lời giải đáp, đương nhiên báo chí, các cơ quan truyền thông phải lãnh sứ mệnh đáp ứng đòi hỏi về thông tin của bạn đọc và của xã hội. Đó là chức năng và là trách nhiệm cao cả của báo chí. Tuy nhiên, đưa đến bạn đọc thông tin gì và thông tin như thế nào, định hướng dư luận xã hội ra sao là trách nhiệm không chỉ của cơ quan báo chí mà còn là trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, đoàn thể. Cả các cơ quan này và báo chí đều có chung một mục tiêu là làm cho xã hội được thông tin đúng, người dân hiểu đúng, suy nghĩ và hành xử đúng trước các sự kiện, sự việc và vấn đề đã, đang hoặc sẽ diễn ra. Nhất là trước các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nhạy cảm, phức tạp, có chiều hướng diễn biến khó lường, báo chí càng phải có trách nhiệm của người trong cuộc, đưa những thông tin đúng đắn khách quan, phân tích bản chất sự kiện, sự việc, đưa ra những nhận định, dự báo chính xác, huy động được trí tuệ, sáng tạo của mọi cấp, mọi ngành và mọi người cùng giải quyết tình hình, làm cho tình hình tốt lên. Báo chí luôn luôn có nhu cầu thông tin nhanh, chính xác, bình luận và phân tích kịp thời nhưng trong nhiều trường hợp rất khó tiếp cận các nguồn tin chính thức vì các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí chưa sẵn sàng. Trong nhiều trường hợp bị từ chối thông tin hoặc chỉ nhận được thông tin phiến diện, không trúng điều báo chí đang cần. Khá phổ biến trên thực tế các câu trả lời ‘’Chưa có thông tin chính thức.’’ ‘’Còn phải đợi và xin ý kiến’’. Báo chí thì không thể chờ đợi. Các nhà báo sẽ bằng mọi cách để có được thông tin. Trong khi chưa hoặc không thể tiếp cận các nguồn cung cấp thông tin chính thống họ phải đi tìm thông tin từ các nguồn khác nhau và trong rất nhiều trường hợp thông tin chưa đầy đủ và toàn diện.

Như vậy có hai khía cạnh cần quan tâm đối với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp: Thứ nhất, phải luôn luôn thấu hiểu và nắm chắc nhu cầu của nhà báo và cơ quan báo chí. Cần hiểu rằng, báo chí, các cơ quan truyền thông rất cần thông tin và nên cố gắng cung cấp thông tin chính thống cho báo chí một cách nhanh nhất, càng nhanh, càng tốt. Thông tin nhanh và chính xác có tác dụng định hướng dư luận rất lớn. Không nên vì chậm trễ cung cấp thông tin mà để báo chí đưa đến bạn đọc những thông tin thiếu khách quan, không đầy đủ, chính xác, thậm chí sai sự thật. Thứ hai, phải chủ động chuẩn bị thật tốt thông tin để cung cấp cho báo chí càng sớm càng tốt những thông tin có chất lượng. Muốn vậy, phải tổ chức bộ máy thật khoa học, phân công trách nhiệm rõ ràng cho cán bộ để bảo đảm tính thời gian và chất lượng thông tin cung cấp cho báo chí. Thời gian qua, liên quan đến nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao... rất nhiều trường hợp do các cơ quan có trách nhiệm chậm trễ cung cấp thông tin cho báo chí đã dẫn đến việc báo chí đưa tin sai lệch, gây những hậu quả không nhỏ đối với xã hội, trong nhiều trường hợp gây thiệt hại về nhiều mặt cho đất nước và nhân dân. Gần đây, vấn đề giá cả, diễn biến thị trường, thiên tai, dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm, vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... có rất nhiều thông tin được báo chí đưa tin nhưng các cơ quan chức năng phản hồi chậm, không kịp thời đưa ra các thông tin chính thức, có căn cứ khoa học, khiến cho dư luận bối rối, không rõ thực hư, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tâm lý người đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, truy cập tin tức trên mạng Internet, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Có không ít trường hợp thông tin không đúng đã, gây nên những thiệt hại về kinh tế cho nông dân ví dụ: người trồng bưởi, người nuôi bò sữa...). Phổ biến trong các trường hợp là cơ quan chức năng phải chạy theo thông tin trên báo để giải quyết hậu quả.

Gần đây, ngày 29-9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục đích là để các Bộ làm tốt hơn việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài về các chủ trương, chính sách, giải pháp điều hành, định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ. Thông tin do các Bộ cung cấp sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có được sớm nhất các thông tin có tính chính thống, nhằm giải thích cho dư luận trong và ngoài nước về các diễn biến của tình hình kinh tế xã hội, có những thời điểm và có những vấn đề khá nhạy cảm, giữ vững ổn định và tạo lòng tin của nhà đầu tư và nhân dân, phù hợp với lợi ích chung của đất nước. Theo quy chế này, các Bộ có trách nhiệm tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc cử người phát ngôn, đại diện cung cấp thông tin cho báo chí trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Các Bộ cũng có thề tổ chức họp báo hoặc ra thông cáo báo chí để cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí. Khi có những sự kiện, vấn đề quan trọng mà xã hội quan tâm hoặc báo chí đề cập liên quan đến lĩnh vực của Bộ nào thì Bộ đó có trách nhiệm cử người phát ngôn hoặc cử đại diện cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần do Bộ thông tin và Truyền thông chủ trì và tại cuộc họp báo thường kỳ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Đối với những vấn đề, sự kiện lớn, đột xuất mà dư luận xã hội quan tâm hoặc gây tác động lớn trong xã hội, quy chế yêu cầu Bộ quản lý chuyên ngành phải kịp thời tổ chức họp báo đột xuất, với sự tham gia của các cơ quan liên quan để cung cấp, định hướng thông tin kịp thời cho báo chí. Ngoài việc tổ chức cung cấp thông tin, quy chế còn yêu cầu các Bộ chỉ đạo các cơ quan tham mưu, nghiên cứu trực thuộc tích cực viết tin, bài cho các cơ quan báo chí. Về tình hình kinh tế-xã hội, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... và các vấn đề mà dư luận đang quan tâm nhằm giải thích, định hướng dư luận xã hội, ổn định tâm lý nhân dân và các nhà đầu tư. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì và phối hợp với các Bộ liên quan thực hiện việc thu thập, thiết lập hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, thường xuyên trao đổi, thông tin chính thức cho các tổ chức tài chính quốc tế và cộng đồng quốc tế về tình hình kinh tế việt Nam, để các nhà đầu tư cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng về tình hình kinh tế nước ta.

Có thể nói đây là một bước cụ thể hóa rất quan trọng nhằm thực thi các văn bản ban hành trước đó liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí mà trước hết là thông tin về các vấn đề thiết thực liên quan đến quốc kế dân sinh, các lĩnh vực kinh tế xã hội nóng bỏng, nhằm bảo đảm quyền được thông tin của người dân và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của báo chí trong thông tin và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định về tâm lý, tư tưởng, tạo lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Sức mạnh của thông tin cũng như vị trí, vai trò của báo chí, cơ quan truyền thông đã được khẳng định trong các văn bản Luật và rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Nhưng để hướng sức mạnh đó vào giải quyết các vấn đề trọng tâm của đất nước, biến thông tin thành nguồn lực để cải biến xã hội, rõ ràng phải thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, đoàn thể với báo chí. Không thể đi ngược lại xu thế minh bạch và dân chủ hóa thông tin. Chính sự bưng bít, che giấu thông tin, thông tin không đúng sự thật mới là tác nhân của sự mất ổn định, hoảng loạn tâm lý, làm trầm trọng thêm các vấn đề nóng, vấn đề bức xúc như dịch bệnh, giá cả, thực phẩm nhiễm độc... thời gian qua. Thông tin và truyền thông tốt sẽ có khả năng tập hợp nhiều nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề cấp bách trong sản xuất kinh doanh cũng như trong các lĩnh vực đời sống xã hội, hướng dẫn người dân suy nghĩ và hành động đúng đắn, phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức dể tiến lên.

Bên cạnh việc nhận thức rõ trách nhiệm cung cấp thông tin báo chí, các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, đoàn thể xã hội cần xây dựng và chuẩn bị tốt về mặt phẩm chất và năng lực cũng như kỹ năng của đội ngũ những người làm việc trong bộ máy quan hệ công chúng, thường xuyên tiệp xúc và cung cấp thông tin cho báo chí. Những người này, như quy định trong Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, phải là người ‘’có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan; am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.’’ Cần khắc phục triệt để tình trạng ‘’né tránh’’ ‘’ngại đụng chạm, tiếp xúc với báo chí’’, gây khó dễ với báo chí do không nắm chắc thông tin, không đủ khả năng chia sẻ thông tin với báo chí. Người phát ngôn, người được ủy quyền làm việc với báo chí ngoài trách nhiệm cung cấp thông tin phải là người am hiểu, thông cảm với báo chí, tạo được quan hệ thân thiện, gần gũi với các phóng viên, nhà báo, biết họ cần gì vào từng thời điểm, tạo điều kiện tốt nhất cho họ tác nghiệp, thu thập thông tin, gặp và phỏng vấn những người có liên quan để có được thông tin chân thực, đầy đủ, khách quan, giúp cho các nhà báo có được những kiến thức và tư liệu cần thiết để phân tích, bình luận, đưa ra nhận xét, đánh giá đúng bản chất sự việc, sự kiện. Những người đã từng làm báo hoặc qua đào tạo về báo chí đảm nhiệm chức trách người phát ngôn hoặc quan hệ với báo chí dễ có sự cảm thông và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của các nhà báo. Tất nhiên, điều quan trọng nhất, họ vẫn phải là người có thẩm quyền đưa ra những nguồn tin có giá trị nhất, đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Và hơn ai hết, họ phải là người biết sử dụng một cách tốt nhất các phương tiện truyền thông để đưa ra những thông điệp đúng đắn đối với xã hội.

Hiện tại ở nước ta còn quá ít cơ sở đào tạo nhân viên quan hệ công chúng và chưa có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Để thực hiện tốt quy chế của Thủ tướng Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất thiết phải có đội ngũ những người làm công việc này ở các bộ, ngành, cơ quan hành chính các cấp, các tổ chức và đoàn thể. Khi việc cung cấp thông tin của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cho báo chí trở thành nền nếp, tất yếu sẽ khắc phục được tình trạng xin - cho thông tin từ các cơ quan công quyền, các chính sách của Đảng, Nhà nước, các quyết sách của Chính phủ sẽ nhanh chóng đến với người dân một cách đầy đủ. Việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí sẽ hạn chế, tiến tới chấm dứt kiểu thông tin ‘’ông nói gà, bà nói vịt’’ khiến cho dư luận mất lòng tin vào báo chí và các cơ quan Nhà nước như đã từng, xảy ra thời gian qua.

Rõ ràng việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí càng trở nên thời sự khi báo chí ngày càng chịu áp lực lớn từ người đọc - thông tin phải chính xác, có độ tin cậy cao. Nhiều cơ quan báo chí và nhiều nhà báo đã phải trả giá bằng uy tín, danh dự nghề nghiệp, thậm chí sinh mạng chính trị của mình... do đưa những thông tin lệch lạc, không được thẩm định, kiểm tra kỹ. Do không có nguồn tin chính thức nhà báo đã thông tin không đúng sự thật về những vấn đề nhạy cảm. Ở đây có vấn đề về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tác nghiệp... song cũng có lỗi của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, hoặc là không thông tin hoặc là quá chậm trễ trong thông tin, thiếu sự chia sẻ thông cảm với các nhà báo vốn thường xuyên đói thông tin, lúc nào cũng săn lùng tin mới trong vô vàn sự kiện, sự việc diễn ra trong đời sống xã hội.

Xã hội văn minh và dân chủ không thể thiếu thông tin. Thông tin góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Xã hội phát triển thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách chúng ta thông tin. Thông tin đúng đắn sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy sự tiến bộ và ngược lại, thông tin sai lệch, thiếu chính xác, thiếu khách quan và không công bằng sẽ cản trở sự phát triển của xã hội. Do vậy, nếu làm tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí, chính là chúng ta đã làm cho báo chí phát triển đúng hướng và lành mạnh. Nhìn lại sự phát triển của báo chí trong những năm qua, ở cả hai mặt thành tựu và thiếu sót khuyết điểm, chúng ta mới thấy rằng sẽ tránh được rất nhiều vấp váp, sai lầm nếu có sự hợp tác tốt giữa báo chí với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

Luật báo chí cũng như các quy chế về cung cấp thông tin cho báo chí mà Thủ tướng Chính phủ ban hành đã thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong cung cấp thông tin cho báo chí cũng như quyền được thông tin của báo chí và người dân. Thực hiện tốt các quy chế này là tạo điều kiện cho báo chí thể hiện vai trò và sức mạnh của mình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và đòi hỏi của bạn đọc và phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất