Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 12/2/2017 10:41'(GMT+7)

Mượn “tự phê bình và phê bình” để ca ngợi, động viên cấp nào cũng có

Mới đây, Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trong đó tập trung tự kiểm điểm sâu sắc, phê bình và góp ý với đồng chí khác trên cơ sở đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đang mở ra đợt sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

muon tu phe binh va phe binh de ca ngoi dong vien cap nao cung co hinh 1
Ông Nguyễn Văn Giang (Ảnh: Minh Châm)
Tròn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng là một năm cán bộ, đảng viên và nhân dân chứng kiến quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ. Nhất là vừa qua, Trung ương đã phát hiện, xử lý bước đầu đối với sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ ở Hậu Giang liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh; kiên quyết xử lý nghiêm khắc những cán bộ kể cả cán bộ cấp cao đương chức hay đã nghỉ hưu theo tinh thần không có vùng cấm, không có khoảng trống cho bất kì ai.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chính điều này sẽ tạo ra niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân vào đợt tự phê bình và phê bình lần này.

“Đây chính là bước đi cụ thể trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và cũng là triển khai các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần của Đại hội XII. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, chúng tôi thấy đợt tự phê bình và phê bình lần này có thuận lợi đó là sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương trở xuống. Cộng với đó là vừa rồi Trung ương đã có xử lý bước đầu đối với những trường hợp sai phạm. Nếu chúng ta làm tốt, việc phê bình và tự phê bình lần này sẽ tạo ra không khí, khí thế mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, PGS.TS Nguyễn Văn Giang nêu rõ.

muon tu phe binh va phe binh de ca ngoi dong vien cap nao cung co hinh 2
Ông Nguyễn Đức Hà (Ảnh: Kim Anh)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là thứ "vũ khí thần diệu" để Đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh. Song, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII vừa qua, Đảng đã nghiêm túc nhìn nhận sau nhiều năm thực hiện các Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, cùng với những kết quả đạt được, tình trạng suy thoái trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có dấu hiệu cho thấy còn phức tạp hơn. Một phần là do thực hiện không nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Nhiều nơi, nhiều chỗ, tự phê bình và phê bình vẫn còn diễn ra qua loa, hình thức, né tránh nên rất ít hiệu quả. Cũng có không ít trường hợp lợi dụng phê bình để công kích, hạ bệ những người mình không ưa hoặc để xu nịnh đối với cán bộ lãnh đạo. Thực tế này cũng lý giải vì sao trong những năm qua, nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra nhưng ít được phát hiện qua quá trình tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy Đảng cơ sở.

Ông Nguyễn Đức Hà, Ban Tổ chức Trung ương nhận định: “Việc tự phê bình và phê bình của các tập thể và cá nhân vẫn còn tình trạng nói ưu điểm nhiều, nói khuyết điểm ít, hoặc nếu có nói về khuyết điểm thì cũng cố gắng né tránh một số từ có tính nhạy cảm. Không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, để động viên, khen ngợi. Việc này tôi thấy ở cấp nào cũng có, từ Trung ương đến các địa phương”.

Để đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình lần này đạt hiệu quả, nhiều cán bộ Đảng viên và nhân dân cho rằng, cần tập trung tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở những nơi có biểu hiện suy thoái, nơi đang có dư luận bức xúc. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ việc tự phê bình và phê bình với thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chuyên trách. Trong quá trình kiểm điểm, khi thấy có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, có sai phạm thì cần dừng phê bình, chuyển sang thanh tra, kiểm tra để xử lý. Đồng thời, tự phê bình và phê bình phải dựa trên cơ sở khoa học hơn là cảm tính chủ quan.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Hữu Thảo, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Việc phê bình và tự phê bình cần chú ý đến những người có cương vị cao nhất, lớn nhất. Lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Đảng phải làm gương để các đảng viên noi theo. Người phương Đông trọng tình hơn lý. Tôi cho rằng trong đội ngũ lãnh đạo chính trị cần dựa trên cơ sở khoa học. Bởi tất cả những gì giải quyết trên lĩnh vực chính trị đều xuất phát từ khoa học. Việc sử dụng, áp dụng khoa học là cơ sở mang tính khách quan nhất. Do đó tự nó gạt bỏ những chủ quan, tình cảm thuần túy không có lợi".

Đợt tự phê bình và phê bình lần này đang tạo niềm kỳ vọng trong toàn Đảng, toàn dân. Song nếu không làm tốt, làm không nghiêm túc và phê bình chỉ là hình thức thì vẫn không mang lại chuyển biến trong thực tế. Thông qua tự phê bình và phê bình lần này mà phát hiện những khuyết điểm, sai phạm với những đơn vị, cá nhân cụ thể, sẽ làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh./.

Theo VOVnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất