Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Chủ Nhật, 3/1/2016 21:32'(GMT+7)

Muốn xã hội phát triển phải hoàn thiện thể chế và phương thức quản lý

Đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội, tôi đề nghị cần quan tâm đến vị trí, tầm quan trọng của quản lý phát triển xã hội, bởi muốn thúc đẩy xã hội phát triển không thể không hoàn thiện thể chế và phương thức quản lý xã hội. Vì rằng, nếu không quản lý hiệu quả thì mọi chính sách, chủ trương phát triển xã hội dù ưu việt đến đâu cũng không thể đạt được kết quả như mong muốn. 

Thực tiễn đã chứng minh rằng, nhiều chính sách, biện pháp phát triển xã hội hoặc bị phá sản hoặc không phát huy hết tác dụng là do không làm tốt công tác quản lý thực hiện. Điều đó thể hiện trên nhiều phương diện: Cơ chế và phương thức quản lý thiếu khoa học, không đồng bộ, năng lực quản lý yếu kém, trách nhiệm quản lý thấp, thậm chí vô trách nhiệm, quyền lực vượt tầm kiểm soát của luật pháp. Làm gì để phát huy tối đa vai trò và tác dụng của công tác quản lý phát triển xã hội? Theo tôi, đầu tiên phải tăng cường và nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm tra giám sát quyền lực, trong đó cần mở rộng quyền tham gia giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân. Thứ hai, thực hiện dân chủ cơ sở một cách thực chất, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Thứ ba, hoàn thiện hệ thống phòng chống tham nhũng các cấp bằng việc xây dựng cơ chế giám sát tham nhũng theo chiều dọc; phát huy hiệu quả công tác quản lý tài chính của các cơ quan, đơn vị; trừng trị nghiêm minh tham nhũng theo pháp luật, kể cả cấp cao nhất. Đây là công cụ hữu hiệu để giữ vững ổn định và phát triển xã hội. Song song với đó, cần chú trọng thực hiện các chính sách xã hội để bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là chính sách điều hòa lợi ích trong phân phối thu nhập, góp phần thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội.

Nhân đây tôi đề nghị về việc tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Một là, phải quán triệt sâu sắc quốc phòng, an ninh là những lĩnh vực đặc biệt quan trọng và phải đẩy mạnh công tác giáo dục để nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhất là lãnh đạo ở các địa phương. Đồng thời, cần làm công tác chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hai là, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức kết hợp giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh theo hướng chủ động gắn kết xây dựng với bảo vệ. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong từng dự án đầu tư, quy hoạch phát triển vùng, các ngành kinh tế, các địa bàn chiến lược, các ngành kinh tế trọng yếu. Ba là, ở các tỉnh khi xây dựng các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các sở, ngành cần trao đổi và thống nhất với cơ quan quân sự cùng cấp; nhất thiết phải được các cơ quan quân sự thẩm định theo quy định của pháp luật. Bốn là, cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đủ khả năng làm tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới. Năm là, cần chuẩn bị lực lượng phòng vệ tốt, phản ứng nhanh, xây dựng lực lượng đủ sức "răn đe".

Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tôi cho rằng bên cạnh việc xây dựng thể chế, cơ chế nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, cần phải có những cơ chế giám sát trật tự ổn định xã hội, để đoàn kết dân tộc đi vào thực chất, tránh hiện tượng lợi dụng đoàn kết dân tộc để chống phá chế độ. Song song với đó cần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân bằng việc thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội; xây dựng các kênh khác nhau để cơ chế phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội thực sự đi vào thực tiễn. Tất cả góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Như vậy, cần xây dựng cơ chế để thực hiện một cách hiệu quả hơn việc giám sát theo chiều ngang (giữa các bộ, ban, ngành cùng cấp), và theo chiều dọc (trung ương - địa phương, cấp trên - cấp dưới) theo cả hai hướng (giám sát lẫn nhau). Qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Nguyễn Xuân Cường (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
(Theo Hà Nội mới)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất