(TCTG)- Mặc dù có những dấu hiệu xích lại gần nhau, Washington và New Delhi vẫn cần phải vượt qua nhiều điểm bất đồng.
Ngay sau khi thăm Trung Quốc, Tổng thống Obama đã “trang trí” lại Nhà Trắng để đón Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và đề cao Ấn Độ, một đối tác “quan trọng”. Giống chuyến thăm Tổng thống Mỹ George Bush năm 2005, Thủ tướng Manmohan Singh đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên với chính quyền Obama. Sự nồng hậu dành cho Ấn Độ đã không thể che giấu được những khó khăn còn tồn tại giữa hai nước để có thể đưa quan hệ chính trị lên tầm cao mới. Ngoài những từ “Mỹ hài lòng và khuyến khích vai trò của Ấn Độ để giúp một châu Á ổn định, hoà bình và thịnh vượng”, hai nước thường xuyên không có quan điểm giống nhau liên quan biện pháp chống lại những thách thức và mối đe doạ trong khu vực.
Trong khi Ấn Độ tổ chức lễ kỷ niệm các vụ khủng bố ngày 26/11/2008 làm 200 người chết tại Mumbai thì cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn còn là điểm bất đồng. Ấn Độ chê trách Washington dễ dãi với Pakistan, nước bị tố cáo đã không nỗ lực chống lại các phong trào cực đoan, ví dụ tổ chức Lashkar-i-Taiba, đối tượng tình nghi hàng đầu trong vụ khủng bố Mumbai. Về phần mình, Mỹ cần có sự hợp tác của Pakistan trong cuộc chiến chống Al-Qaida và cuộc chiến tại Afghanistan.
Một lẫn nữa thông cáo chung đã làm dịu mối lo ngại của Ấn Độ bằng cách hai nước bày tỏ sự lo ngại “đối với những mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan gia tăng từ nước láng giềng của Ấn Độ” nhưng thực tế người ta nghi ngờ Washington hành động ngược lại với những tuyên bố gây sức ép lên Pakistan để làm vừa lòng Ấn Độ.
Afghanistan cũng là một vấn đề trong quan hệ song phương. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định Tổng thống Obama nói với ông rằng Washington “đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong công cuộc tái thiết và phát triển Afghanistan”, rõ ràng điều này gây cản trở mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ với Islamabad. Trong bản báo cáo về tình hình tại Afghanistan, tướng Stanley McChrystal-Tư lệnh quân đội Mỹ và NATO tại nước này đã ngầm tố cáo vai trò của Ấn Độ khi viết: “ảnh hưởng ngày cảng lớn của Ấn Độ tại Afghanistan không ngừng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Luôn hy vọng đạt được sự hợp tác toàn diện của Pakistan, Mỹ mong muốn Ấn Độ mất dần ảnh hưởng tại Bang Cachemire đang tranh chấp, một chủ đề mà Ấn Độ không muốn mọi sự can thiệp từ ngoại bang. Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, việc Tổng thống Obama nhắc tới vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc nối lại đối thoại giữa Islamabad và New Delhi cũng làm người Ấn Độ giận dữ.
Tuy nhiên, những bất hoà trên đã được gác lại để nhường chỗ cho sự hợp tác gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và đặc biệt là lĩnh vực hạt nhân. Tổng thống Obama đã làm tan biến mọi mối lo ngại từ phía Ấn Độ khi bày tỏ thái độ của ông trước bản thoả thuận hợp tác hạt nhân ký thời Tổng thống Bush, bị những người của Đảng Dân chủ chỉ trích kịch liệt. Ông tuyên bố: “Ấn Độ là cường quốc hạt nhân, chúng tôi có thể là những đối tác thực sự trong phòng ngừa những vũ khí giết người hàng loạt trên thế giới”.
Hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ đã diễn ra được 10 năm. Chắc chắn hai bên sẽ cần thời gian để xây dựng một mối quan hệ tin cậy thực sự, song cũng sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn.
Theo báo SLATE.fr (tin dịch)