Thứ Ba, 1/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 18/9/2014 20:22'(GMT+7)

Mỹ “bối rối” trong cuộc chiến chống phiến quân IS

Một binh sĩ Mỹ tại Iraq (Ảnh Bộ Quốc phòng Mỹ)

Một binh sĩ Mỹ tại Iraq (Ảnh Bộ Quốc phòng Mỹ)

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tái khẳng định, Mỹ sẽ không đưa bộ binh tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.

Tuyên bố này là sự bác bỏ đối với ý kiến đưa ra ngày 17/9 của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey. Với những tuyên bố trái chiều của giới chức Mỹ cho thấy, Mỹ đang thực sự “bối rối” trong cuộc chiến chống phiến quân vốn đã kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định quan điểm của ông Obama về việc không đưa bộ binh tham chiến tại Iraq.

Ông Kerry cho biết: “Chúng ta có đủ khả năng và nguồn lực cần thiết để thành công về mặt quân sự. Và Tổng thống Obama đã khẳng định rằng chúng ta sẽ mở rộng chiến dịch quân sự chống lại IS tại Iraq, Syria, những nơi mà chúng ẩn náu. Nhưng đây không phải là cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, không phải là cuộc chiến Iraq 2003. Lực lượng Mỹ sẽ không được cử đến tham gia tác chiến trong cuộc xung đột này”.

Ông Kerry nói rằng, trong một thập kỷ qua, một chiến lược bền vững của Mỹ không phải là triển khai lực lượng trên thực địa, mà để cho “các lực lượng địa phương làm những gì vì đất nước họ”.

Trong phiên điều trần, ông Kerry đã nhiều lần bị các nghị sỹ phản đối chiến tranh ngắt lời khi họ giương cao các khẩu hiệu phản đối chiến tranh và biểu tượng hòa bình. Một số cho rằng can thiệp quân sự không giúp bảo vệ nước Mỹ.

Tại cuộc gặp với các tướng lĩnh quân đội Mỹ diễn ra ngày 17/9 tại Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) ở Florida, Tổng thống Obama đã khẳng định sẽ không cho phép tiến hành thêm bất cứ cuộc chiến trên bộ nào tại Iraq, mà sẽ tập trung vào các hoạt động huấn luyện và thu thập tin tức tình báo.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Martin Dempsey đề xuất một kế hoạch tấn công trên bộ trong trường hợp các chiến dịch không kích thất bại.

Kể từ đầu tháng 8 đến nay, Mỹ đã tiến hành hơn 160 cuộc không kích vào các mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Iraq và đang có ý định mở rộng các cuộc không kích vào lực lượng này ở Syria.

Ngay khi cho phép tiến hành không kích phiến quân tại Iraq, ông Obama nói rằng đó là các cuộc không kích “có giới hạn” để hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq giành lại các khu vực do lực lượng IS kiểm soát.

Thực tế cho thấy cho đến nay, Mỹ không đạt được mục tiêu trong kế hoạch không kích phiến quân tại Iraq, bởi lực lượng này hiện đã kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) ngày 17/9, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif các buộc Mỹ và các đồng minh phương Tây từng hậu thuẫn cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà Iran gọi là một tổ chức khủng bố.

Ông Zarif nói: “Nhóm khủng bố đó đã tồn tại trong một thời gian dài. Chúng từng được hậu thuẫn, được cung cấp vũ khí, tài chính từ Mỹ và một số đồng minh trong khu vực. Giờ đây Mỹ mới chỉ bắt đầu ứng phó với nhóm khủng bố này sau hai tháng không kích dữ dội tại Iraq”.

Ngoại trưởng Iran cũng khẳng định sẽ không hỗ trợ Iraq bằng việc cử binh sỹ tham gia cuộc chiến chống phiến quân IS, đồng thời cho rằng người Iraq không đưa ra yêu cầu này.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ đang thực sự “bối rối” trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo, lực lượng vốn đã lớn mạnh nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ khi chúng còn đang trong “trứng nước” ở Syria.

Mục tiêu xóa bỏ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vốn theo dòng Alawite, một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite đã kéo các tay súng Sunni khắp Trung Đông tới tham chiến. Và không thể phủ nhận thực tế là phương Tây đã xem những nhóm phiến quân Sunni, trong đó có IS là một đồng minh tinh thần để đạt được ý đồ loại ông Assad khỏi đời sống chính trị Syria.

Và khi lực lượng này lớn mạnh với tham vọng thành lập một vương quốc Hồi giáo ở cả Iraq và Syria bằng các hành động bạo lực dã man, thì Mỹ đã buộc phải tiến hành cuộc chiến chống lại chúng.

Với việc nhóm phiến quân IS đã kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Iraq và Syria, sẽ là không triệt để nếu như chỉ tập trung không kích các tay súng ở Iraq như kế hoạch Mỹ đề ra, mà không diệt trừ những cơ sở hùng hậu của chúng ở lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, cho đến nay cả Syria và Iran đều phản đối Mỹ không kích phiến quân tại Syria vì cho rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền của Syria. Việc thiếu sự tham gia của hai đối tác được đánh giá là quan trọng này trong liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ khiến cho cuộc chiến chống phiến quân ngày càng khó khăn./.

Theo VOVnews




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất