Thêm 3 ngân hàng bị đóng cửa
trong tuần qua, trong khi một loạt ngân hàng lớn thông báo bị lỗ nặng trong quý IV/2009 - thực trạng đó khiến giới chức Mỹ lo ngại về nguy cơ đổ vỡ hàng loạt trong ngành ngân hàng.
Trong tuần qua, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã tiếp quản ngân hàng Barnes Banking Co. tại bang Uta (Utah), có tổng tài sản trị giá 827,8 triệu USD và khoản tiền gửi của khách hàng là 786,5 triệu USD.
Ngân hàng St. Stephen State Bank có trụ sở tại bang Minnesota, tài sản trị giá 24,7 triệu USD và tiền gửi là 23,4 triệu USD và Ngân hàng Town Community Bank and Trust đặt tại bang Illinois, tài sản trị giá 69,6 triệu USD và tiền gửi là 67,4 triệu USD cũng được FDIC tiếp quản.
Vụ đổ vỡ của 3 ngân hàng nói trên khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC bị giảm hơn 296 triệu USD.
Tuần trước, Ngân hàng Horizon tại bang Washington, có tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và tổng tiền gửi của khách hàng khoảng 1,1 tỷ USD, trở thành ngân hàng đầu tiên của Mỹ bị đóng cửa trong năm 2010. FDIC sẽ phải trả hơn 539 triệu USD tiền bảo hiểm do sự đổ vỡ của ngân hàng này.
Trong cả năm 2009, số tiền bảo hiểm mà FDIC trả cho 140 ngân hàng đổ vỡ đã vượt 30 tỷ USD. Các quan chức của FDIC ước tính sẽ phải chi khoảng 100 tỷ USD cho bảo hiểm tiền gửi trong 4 năm, từ 2010 đến 2013.
Trong khi đó, có nhiều dự báo cho thấy ngành ngân hàng Mỹ sắp chứng kiến "một thời kỳ đau thương" với việc nhiều ngân hàng hàng đầu thông báo lỗ lớn trong quý IV/2009.
Theo ước tính của công ty Thomson Reuters, Ngân hàng Bank of America, ngân hàng cho vay lớn nhất của Mỹ, có thể bị lỗ 3,7 tỷ USD trong quý IV/2009; Ngân hàng Citigroup sẽ thông báo lỗ 6,4 tỷ USD; và Ngân hàng Wells Fargo có thể bị lỗ 71 triệu USD.
Giới phân tích đánh giá nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do các ngân hàng đã vội vã quyết định hoàn trả hàng tỷ USD mà họ nợ chính phủ trong chương trình trợ giúp ngành ngân hàng.
Mặt khác, nhu cầu vay tiền ngân hàng cũng sụt giảm nghiêm trọng do các doanh nghiệp và người tiêu dùng chỉ tập trung vào việc trả nợ./.
(TTXVN)