Ngày 18/12, các nhà đàm phán của Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận về Dự luật Quốc phòng trị giá 633 tỷ USD; trong đó bao gồm cả điều khoản siết chặt các biện pháp trừng phạt Iran, tăng cường an ninh tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới sau vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại Libya ngày 11/9 vừa qua.
Đồng thời, Dự luật cũng nhất mạnh biện pháp quân sự nằm trong các lựa chọn có thể thực hiện nhằm chấm dứt đổ máu ở Syria.
Dự luật này được đưa ra nhằm giúp Mỹ đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa và biến động trên toàn cầu trong khi vẫn phải cung cấp hàng tỷ USD cho cuộc chiến ở Afghanistan kéo dài hơn một thập kỷ qua.
Dự luật cũng phản ánh rõ nét sự cắt giảm chi tiêu do thâm hụt tài chính liên bang sau một quá trình Lầu Năm Góc tăng gần gấp đôi ngân sách trong 10 năm qua. Dự luật cho phép chi 528 tỷ USD cho việc duy trì các căn cứ của Bộ Quốc phòng, 17 tỷ USD cho các chương trình quốc phòng và hạt nhân tại Bộ Năng lượng và 88,5 tỷ USD cho cuộc chiến ở Afghanistan.
Các nghị sỹ hàng đầu của Đảng Dân chủ và Cộng hòa tại các Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ nhấn mạnh việc hoàn thành Dự luật này là trường hợp hợp tác hai đảng hiếm hoi tại một quốc hội ngày càng bị chia rẽ thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Howard McKeon cho biết cơ hội để "đại diện cho binh sỹ, thủy thủ, phi công, lính thủy quân lục chiến của chúng ta là lý do tại sao chúng tôi phối hợp cùng nhau theo một cách thức lưỡng đảng để hoàn thành dự luật này."
Dự luật đã loại bỏ một điều khoản của Hạ viện có nguy cơ dẫn đến phủ quyết khi cấm quân đội Mỹ mua các nhiên liệu thay thế nếu chi phí vượt quá các nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Nỗ lực của Hạ viện yêu cầu xây dựng các công trình phòng thủ tên lửa dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ cũng tạm thời bị chặn lại và thay vào đó dự luật yêu cầu Lầu Năm Góc nghiên cứu ba vị trí khả thi nhất cho việc xây dựng này.
Dự luật cũng cho phép chi gần 480 triệu USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Israel, trong đó có 211 triệu USD cho hệ thống đánh chặn tên lửa “Vòm Sắt” và bổ sung hơn 1.000 lính thủy quân lục chiến ở nước ngoài nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh cho các cơ quan đại diện ngoại giao sau sự kiện Đại sứ và ba nhân viên ngoại giao Mỹ bị sát hại tại Libya ngày 11/9 vừa qua./.
Theo Vietnam+