Bốn ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng khiến 27 người thiệt mạng tại trường cơ sở Sandy Hook, Newtown, bang Connecticut, Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) ngày 19/12 đã lên tiếng bày tỏ sự tiếc thương các nạn nhân xấu số và xem đây là một cú sốc lớn.
Đây là lần đầu tiên NRA có những phát biểu trước công chúng về các vụ xả súng.
Điều đáng nói là NRA đã cam kết sẽ có những đóng góp ý nghĩa để tránh tái diễn những vụ thảm sát tương tự. Hiệp hội này cho biết sẽ tổ chức một "hội nghị tin tức quy mô lớn" tại thủ đô Washington vào ngày 22/12 để bàn về vấn đề này.
Vụ thảm sát đẫm máu ở Connecticut đã một lần nữa thức tỉnh giới chức nước này về khả năng phải thay đổi những điều luật trong việc kiểm soát súng.
Tại Mỹ, việc sở hữu súng được Hiến pháp bảo vệ và tập quán sở hữu súng đã tồn tại lâu đời. Mặc dù nhiều bang của Mỹ, bao gồm cả Connecticut, đã ban hành những luật nghiêm ngặt về mua bán vũ khí, nhưng vì không có luật liên bang về sở hữu súng đạn nên nhà chức trách gần như bó tay trong việc ngăn chặn súng đạn được tuồn vào từ những bang không có hạn chế về sở hữu vũ khí.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một đạo luật cấm buôn bán và sở hữu 19 loại súng tấn công đã được thông qua năm 1994, tuy nhiên đạo luật này đã hết hạn vào năm 2004 và kể từ đó chưa được phục hồi.
Trong cương lĩnh tranh cử năm 2008, ông Obama từng ủng hộ khôi phục luật cấm này nhưng ông đã không coi nó là ưu tiên trong nhiệm kỳ đầu của mình.
Ước tính với khoảng 270 triệu khẩu súng đang được sở hữu trong dân, Mỹ đã trở thành quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới.
Theo thống kê của nhóm những nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, những khẩu súng này đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương mỗi năm. Năm 2010, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do trúng đạn./.
Biểu tình phản đối NRA tại Mỹ (Nguồn: AFP)
Thạch Thảo (Vietnam+)