Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh chính sách nhất quán của
chính quyền Tổng thống Barack Obama là không để Iran chế tạo bom hạt
nhân.
Trước tâm trạng nghi ngờ và phản đối của
các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, ngày 24/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
một lần nữa lên tiếng đề nghị các nghị sỹ kiên nhẫn thêm một thời gian
chờ kết quả cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của
Iran.
Phát biểu trong cuộc điều trần tại Tiểu ban Chuẩn chi ngân sách của
Thượng viện, Ngoại trưởng Kerry cho rằng hiện chưa phải là thời điểm
chín muồi để chỉ trích các cuộc đàm phán với Iran trước khi đạt được một
thỏa thuận nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông Kerry khẳng định "sẽ là không biết điều gì đang diễn ra" nếu ở thời
điểm hiện tại ai đó đã lên tiếng chỉ trích một thỏa thuận có thể đạt
được với Iran. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh chính sách
nhất quán của chính quyền Tổng thống Barack Obama là không để Iran chế
tạo bom hạt nhân.
Cuộc điều trần được tổ chức ngay sau khi Ngoại trưởng Kerry trở về từ
các cuộc đàm phán với Iran tại Geneva (Thụy Sĩ). Tại vòng đàm phán mới
nhất này, cả Iran và các quan chức nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với
Đức) đều xác định đã đạt được những tiến triển, nhưng vẫn còn những trở
ngại cần phải vượt qua nhằm đạt được một thỏa thuận khung về chương
trình hạt nhân của Iran trước thời hạn 31/3 tới để sau đó các bên còn
lại ba tháng sẽ đi vào thảo luận các nội dung chi tiết của hiệp định
cuối cùng.
Theo các quan chức gần gũi với các cuộc đàm phán, trong hai lần thương
thảo gần đây, phía Mỹ và các đối tác đã có hai nhượng bộ lớn. Nhượng bộ
lớn thứ nhất là đồng ý cho Iran giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu sau khi
đã giảm bớt hàm lượng urani, thay vì hơn 10.000 thanh như Tehran hiện
đang sở hữu. Số thanh nhiên liệu hạt nhân còn lại Iran sẽ phải tự nguyện
chuyển ra nước ngoài. Nhượng bộ lớn thứ hai, theo báo chí Mỹ là Iran sẽ
ngừng các hoạt động hạt nhân trong 10 năm, thay vì vĩnh viễn hoặc 20
năm như Mỹ trước đây từng yêu cầu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cùng ngày nói rằng
thông tin về việc Mỹ đang ngả theo hướng chỉ yêu cầu Iran ngừng các hoạt
động hạt nhân trong vòng 10 năm là "không đúng sự thật". Quan chức trên
cho rằng xác suất đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt
nhân của Iran vào hạn chót 30/6 là 50-50. Ông Earnest cho biết chính
quyền của Tổng thống Obama không có ý định kéo dài thêm các cuộc đàm
phán quá hạn chót lần thứ hai vào ngày 30/6 tới. Theo giới phân tích,
một trong những trở ngại lớn nhất còn lại là mức tinh luyện uranium của
Iran và số lượng các máy ly tâm Iran được phép tiếp tục sử dụng.
Vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran với nhóm P5+1 sẽ diễn ra tại Geneva
vào ngày 4/3 tới. Ngoài sự phản đối ở trong nước, chính quyền Obama cũng
đang vấp phải trở ngại lớn từ đồng minh Israel, một quốc gia coi việc
tiếp tục cho phép Iran theo đuổi chương trình hạt nhân là một nguy cơ
không chỉ đối an ninh quốc gia của Iran mà đối với toàn bộ khu vực.
Cùng ngày 24/2, phát biểu với báo giới trước chuyến thăm Mỹ theo lời mời
của Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner, Thủ tướng
Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ bằng mọi cách ngăn chặn thỏa thuận
giữa nhóm P5+1 với Iran. Ông Netanyahu cho biết trong chuyến thăm
Washington vào tuần tới, ông sẽ giải thích cho Quốc hội Mỹ lý do tại sao
thỏa thuận sắp đạt được với Iran lại gây nguy hại cho Israel, cho khu
vực và cho toàn thế giới.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, nhóm đối lập Hội đồng Kháng chiến
quốc gia Iran (NCRI) cáo buộc Chính phủ Iran đang bí mật tiến hành
nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân tại một cơ sở làm giàu urani
ngầm dưới lòng đất gần Tehran.
Dẫn những hình ảnh thu được từ vệ tinh của Google Maps, NCRI cho biết cơ
sở hạt nhân có tên Lavizan-3, được xây dựng trong các năm 2004-2008 với
hệ thống máy ly tâm tân tiến, nằm trong một căn cứ quân sự ở khu vực
ngoại ô phía Đông Bắc Tehran và gồm nhiều phòng thí nghiệm dưới mặt đất
nối với nhau bằng một đường hầm.
Theo tổ chức này, việc Iran bí mật xây dựng và tiến hành các hoạt động
tại cơ sở hạt nhân này là "sự vi phạm rõ ràng" Hiệp ước không phổ biến
vũ khí hạt nhân, các nghị quyết của Liên hợp quốc cũng như thỏa thuận sơ
bộ đạt được với nhóm P5+1 hồi tháng 11/2013./.
(TTXVN)