Theo AP, THX và Kyodo, ngày 28/9, Mỹ hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản tạo những nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để xử lý hòa bình tranh chấp của hai nước láng giềng này về quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) tranh chấp.
Phát biểu tại buổi họp báo, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Kurt Campbell tuyên bố Washington sẽ không đóng vai trò trung gian hòa giải trong vụ tranh chấp này.
Theo ông Campbell, hai bên đều nhận thức tầm quan trọng trong mối quan hệ của họ và Mỹ tin rằng đối thoại sẽ đem lại những kết quả tích cực; cho rằng sẽ là khôn ngoan khi gác tranh chấp lãnh thổ sang một bên khi "vấn đề này quá khó để giải quyết."
Cũng trong ngày 28/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hối thúc Nhật Bản phản ứng thận trọng trong việc xử lý vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát trong cuộc gặp giữa bà Hillary và Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ở thành phố New York của Mỹ.
Trước đó hôm 27/9, Nhật Bản và Trung Quốc đã có những cáo buộc lẫn nhau về quần đảo này ngay tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trả lời báo giới về lá thư đe dọa Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu Tôkyô bảo vệ sự an toàn cho đại sứ quán Trung Quốc và nhân viên trên lãnh thổ nước này.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải cùng ngày thông báo đã gửi số tiền 10.263 Nhân dân tệ (tương đương 127.000 yen) cho khu vực vừa hứng chịu động đất ở ven tỉnh Quý Châu và Vân Nam hôm 7/9 vừa qua.
Động thái này được cho là tín hiệu tích cực diễn ra trong bối cảnh ngoại giao Trung-Nhật đang xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ từ năm 1972 đến nay./.
Vietnam+