Thứ Tư, 9/9/2009 18:8'(GMT+7)
Mỹ phong tỏa tài sản 2 đơn vị của Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/9 tuyên bố Mỹ bắt đầu phong tỏa tài sản của Tổng Cục Năng lượng nguyên tử của Triều Tiên (GBAE) và Công ty Thương mại Tangun Triều Tiên có liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng GBAE có chức năng điều phối chương trình hạt nhân và quản lý các hoạt động tại cơ sở hạt nhân Yongbyon, trong khi Công ty Thương mại Tangun Triều Tiên thì hỗ trợ các chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa.
Mọi tài sản của GBAE và công ty Tangun nằm trong quyền tài phán của Mỹ đều bị phong tỏa, trong khi các công dân Mỹ bị cấm giao dịch với hai đơn vị này.
GBAE và công ty Tangun nằm trong danh sách các đối tượng Triều Tiên bị Liên hợp quốc công bố áp đặt trừng phạt hồi tháng 7 vừa qua do liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chưa rõ GBAE và công ty Tangun có tài sản nào nằm trong quyền tài phán của Mỹ hay không, song các quan chức Mỹ cho biết Washington hy vọng biện pháp này của Mỹ sẽ ngăn chặn các nước khác giao dịch thương mại với Triều Tiên.
Động thái trên của Mỹ được cho là nhằm gia tăng sức ép buộc Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân, trong bối cảnh Triều Tiên ngày 4/9 tuyên bố đã bước vào giai đoạn cuối của tiến trình làm giàu uranumi và đang chế tạo thêm bom nguyên tử từ các thanh nhiên liệu tái chế.
Tại cuộc họp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 8/9, các đại diện của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại các cuộc đàm phán sáu bên và cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc trở lại nước này.
Phái viên Mỹ tại IAEA Glyn Davies nhấn mạnh Washington kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán sáu bên "vô điều kiện và tuân thủ các cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Trong khi đó, Thụy Điển, nước Chủ tịch luân phiên EU, nói: "EU thúc giục Triều Tiên hủy bỏ quyết định trục xuất các thanh sát viên IAEA cũng như quyết định khôi phục các cơ sở hạt nhân đã ngừng hoạt động, đồng thời nối lại và duy trì hợp tác với IAEA".
Tại cuộc gặp trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Nhật Bản Akitaka Saiki ở Tokyo ngày 7/9, đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Stephen Bosworth khẳng định các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ không diễn ra trong tương lai gần, trừ phi Bình Nhưỡng thể hiện cam kết thực hiện thỏa thuận đã đạt được tại cuộc đàm phán sáu bên.
Trong khi đó, tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 8/9 khẳng định chỉ có đàm phán và sự tham gia của Triều Tiên mới có thể mang lại một giải pháp khả thi cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Lavrov nhấn mạnh cô lập và đe dọa sẽ không giúp đạt được kết quả gì, đồng thời cho biết các bên tham gia đàm phán sáu bên đều ủng hộ nối lại tiến trình đàm phán này./.
(TTXVN)