Thứ Sáu, 15/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 19/9/2009 12:31'(GMT+7)

Mỹ sẽ xây dựng hệ thống NMD “thông minh” hơn

Dựa theo đánh giá về mức độ đe dọa của chương trình tên lửa do I-ran phát triển và công nghệ phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ, Lầu Năm góc đề nghị triển khai chương trình phòng thủ tên lửa mới tại châu Âu trên các chiến hạm của hải quân, bố trí ở các khu vực Nam và Bắc Âu, thay vì đặt trên mặt đất tại CH Séc và Ba Lan như trước đây. Giai đoạn I, đến năm 2011 sẽ hoàn thành việc lắp đặt các ra-đa và hệ thống đánh chặn, như các tàu được trang bị hệ thống Aegis và triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 trên tàu thủy. Giai đoạn II (khoảng năm 2015) sẽ tập trung vào việc lập các hệ thống SM-3 đặt trên mặt đất.

Theo Lầu Năm góc, chương trình “điều chỉnh thích ứng và được chia theo giai đoạn” sẽ giúp cho hệ thống phòng thủ nội địa Mỹ chống đỡ được những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo có thể có bằng tên lửa từ I-ran. Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống Bu-sơ (George W.Bush) đã lên kế hoạch triển khai 10 lá chắn tên lửa tại Ba Lan và một hệ thống ra-đa tại Séc. Nga kịch liệt phản đối kế hoạch này vì cho rằng nó đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Nga.

Vì muốn Nga hợp tác giải quyết các thách thức như khủng hoảng tài chính, ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu, khủng bố nên chính quyền Ô-ba-ma đã cùng Nga “khởi động lại” quan hệ Nga-Mỹ thông qua hợp tác và đối thoại chiến lược song phương. Tuy nhiên, cũng giống như người tiền nhiệm, ông Ô-ba-ma vẫn nhấn mạnh mối đe dọa tên lửa đến từ I-ran và khẳng định lại tính cần thiết phải triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Theo ông Ô-ba-ma, hệ thống phòng thủ tên lửa mới sẽ “bảo vệ (Mỹ và các đồng minh) tốt hơn, thông minh hơn và nhanh hơn”.

Dư luận thế giới đánh giá cao quyết định trên của Tổng thống Ô-ba-ma. Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao (Gordon Brown) tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Ô-ba-ma và dự đoán sẽ còn có một số tiến triển trong các vấn đề quốc tế trong vài tháng tới. Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) cũng khẳng định quyết định này của Mỹ là một "dấu hiệu của hy vọng", có thể góp phần "khắc phục những trở ngại trong quan hệ với Nga". Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) mô tả đây là "một quyết định tuyệt vời".

Từ Mát-xcơ-va, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép (D.Medvedev) và Thủ tướng Nga V.Pu-tin (V.Putin) đã gọi quyết định trên là một hành động có trách nhiệm, đúng đắn và dũng cảm. Qua kênh truyền hình nhà nước, ông Mét-vê-đép cho biết sự thay đổi đó của Mỹ được đưa ra trên tinh thần nhất trí hợp tác giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va trong các cuộc gặp hồi đầu năm về nguy cơ của hệ thống này. Ông Mét-vê-đép cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Nhà Trắng, gần nhất là cuộc gặp ngày 23-9 tới tại Niu Y-oóc. Để đáp lại thiện chí của Oa-sinh-tơn, ngày 18-9, Mát-xcơ-va đã quyết định từ bỏ kế hoạch đặt các tổ hợp tên lửa "Iskander" mà Nga dự định bố trí tại tỉnh Ca-li-nin-grát (Kaliningrad) gần biên giới với Ba Lan nhằm đáp trả kế hoạch của Mỹ lắp đặt NMD tại Séc và Ba Lan.

Cùng ngày, tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brúc-xen (Bỉ), Tổng Thư ký NATO An-đớt Phốc Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmussen) cho biết khối này sẵn sàng thảo luận đề xuất của Tổng thống Mét-vê-đép về một thỏa thuận an ninh mới châu Âu-Đại Tây Dương sau khi Mỹ chuyển hướng triển khai NMD ở Đông Âu. Ông Ra-xmu-xen cho rằng Mỹ, NATO và Nga cũng nên xem xét kết nối các hệ thống phòng thủ tên lửa vào một thời điểm thích hợp vì hiện nay, việc nghiên cứu cách thức đối phó với sự phát triển của công nghệ tên lửa đạn đạo vốn là một trong những lợi ích chiến lược cơ bản của Nga và NATO./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất