Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố các khoản đảm bảo cho vay lên đến 8,3 tỷ USD để xây dựng những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Mỹ trong vòng 30 năm qua.
Hãng tin Reuters cho biết công ty điện lực Southern Company sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới ở bang Georgia kể từ sau vụ tai nạn tại nhà máy hạt nhân trên đảo Three Mile ở bang Pennsylvania. Khi đó, một trong những lò phản ứng hạt nhân trong nhà máy bị rò rỉ, khiến khí phóng xạ bay ra ngoài không khí.
Dự kiến hai nhà máy mới sẽ hoạt động vào năm 2016 và 2017. Theo Reuters, ông Obama khẳng định nước Mỹ cần tăng cường nguồn cung điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và chống biến đổi khí hậu.
“Dù nước Mỹ chưa xây mới nhà máy hạt nhân nào trong 30 năm qua, năng lượng hạt nhân vẫn là nguồn nhiên liệu lớn nhất mà không tạo ra khí thải carbon”, Reuters dẫn lời ông Obama tuyên bố.
Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng gây tranh cãi mạnh mẽ ở Mỹ do nó sản sinh ra chất thải phóng xạ. Rất nhiều người Mỹ vẫn bị ám ảnh với tai nạn ở đảo Three Mile.
Các tổ chức môi trường cho rằng chính sách mới của ông Obama quá tốn kém, phụ thuộc vào công nghệ cũ, thay vì công nghệ năng lượng thay thế mới.
“Đáng buồn là tổng thống lại dùng tiền thuế của dân cho một cuộc giải cứu doanh nghiệp mới”, Reuters dẫn lời ông Jim Ricco, chuyên gia hạt nhân tổ chức Hòa bình xanh.
Giới quan sát bình luận đây là một nỗ lực của ông Obama nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa đối với dự luật chống biến đổi khí hậu của ông. Dự luật này hạn chế khí thải nhà kính và mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, trong khi háo hức với chiến lược tăng cường nguồn điện hạt nhân, và khai thác dầu khí ngoài khơi, phe Cộng hòa vẫn quyết liệt chống đối kế hoạch cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Reuters cho biết một số nghị sĩ Cộng hòa đang lên kế hoạch đưa ra một dự luật nhằm hạn chế quyền điều tiết khí thải nhà kính của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).
HIẾU TRUNG- Tuoi Tre