Chủ Nhật, 22/3/2015 8:40'(GMT+7)
Mỹ và Iran cùng nhượng bộ lớn để hướng tới thỏa thuận khung
Các quan chức tham gia vòng đàm phán vừa kết thúc tại thành phố Lausanne
cho biết sau sáu ngày đêm đàm phán ráo riết, Mỹ và Iran đều đã có những
nhượng bộ lớn nhằm đạt được một thỏa thuận khung trước hạn chót 31/3.
Ngày 20/3, hai bên đã tạm ngừng đàm phán để cùng dự thảo các điều khoản
của một thỏa thuận khung, theo đó Iran đồng ý cắt giảm 40% các thiết bị
có thể sử dụng để chế tạo bom hạt nhân tại các lò phản ứng hạt nhân, đổi
lại, Mỹ và các nước đồng minh sẽ nhanh chóng dỡ bỏ một số biện pháp
trừng phạt kinh tế, đồng thời bãi bỏ một phần lệnh của Liên hợp quốc cấm
vận vũ khí thông thường đối với Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf cho biết ngày 21/3 Ngoại
trưởng John Kerry sẽ có các cuộc gặp với các đồng nghiệp Anh, Pháp và
Đức trước khi rời châu Âu trở về Washington.
Vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm năm nước thường
trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc
cùng với Đức) dự kiến được nối lại vào ngày 25/3 cũng tại Thụy Sỹ và
được nhìn nhận là vòng đàm phán mang tính quyết định.
Các nguồn tin gần gũi với tiến trình đàm phán cho biết ngoài các nhượng
bộ lớn trên đây, Iran và nhóm P5+1 cũng đã sơ bộ nhất trí về việc cho
phép Iran giữ lại 6.000 trong hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân hiện
có, thay vì 6.500 như dự định trước đây, sau khi đã được tinh chế lại để
giảm bớt hàm lượng urani tới mức không thể chế tạo được bom hạt nhân.
Trước đây, Mỹ nhất quyết yêu cầu Iran chỉ được giữ lại 500 đến 1.500
hoặc tối đa là 4.000 thanh nhiên liệu hạt nhân. Số thanh nhiên liệu còn
lại sẽ được chuyển ra nước ngoài. Giới chức Mỹ cho rằng nếu đồng ý với
các điều kiện này, Iran sẽ phải mất ít nhất một năm mới có thể chế tạo
được bom hạt nhân.
Hiện nay, theo nhìn nhận của các chuyên gia, Iran chỉ cần từ 2 đến 3 tháng là có thể chế tạo được một quả bom hạt nhân.
Về thời gian Iran phải tạm ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân, các
quan chức Mỹ cho biết tối thiểu là 10 năm, nhưng có thể kéo dài 15, thậm
chí 20 năm.
Ngoài ra, Mỹ và các nước cũng sẽ sớm nhất, từng bước bãi bỏ các biện pháp bao vây phong tỏa kinh tế Iran./.
Theo TTXVN