Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 6/11/2009 16:10'(GMT+7)

Năm 2010 phấn đấu GDP tăng 6,5%

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo TTXVN, sáng 6/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 với số phiếu tán thành đạt 85,4%.


Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2010 là: GDP tăng khoảng 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 83%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 84%; tỷ lệ che phủ rừng 40%.

Tiến độ chạy thử nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt khoảng 99%

Báo cáo tình hình thực hiện Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, các gói thầu đã cơ bản hoàn thành, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chuyển sang giai đoạn vận hành chạy thử.

Do trục trặc kỹ thuật tại phân xưởng cracking xúc tác nên tiến độ bàn giao nhà máy sẽ chậm lại một thời gian so với kế hoạch.

Đến nay, công tác xây lắp đã cơ bản hoàn thành; tiến độ chạy thử và khởi động nhà máy đạt khoảng 99%. Đến 15/8/2009, nhà máy đã sản xuất được các sản phẩm đạt chất lượng với sản lượng gần 39.000 tấn LPG, trên 198.000 tấn xăng A92, trên 142.000 tấn diezel, trên 30.000 tấn dầu hỏa…

Về tổng thể, các lực lượng của Ban Quản lý dự án đã từng bước đảm nhận các khâu vận hành và bảo dưỡng nhà máy, qua đó chứng tỏ được năng lực; tuy nhiên mặt hạn chế là chưa có đủ kinh nghiệm trong việc xác định nguyên nhân và đề ra các biện pháp xử lý sự cố đối với các hệ thống được kết nối phức tạp, có quy mô lớn và hiện đại của nhà máy.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là hơn 3 tỉ USD, tăng hơn 550 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu làm tăng tổng mức đầu tư dự án là do biến động tỷ giá tiền tệ, biến động giá nguyên vật liệu, nhất là trong giai đoạn cao điểm triển khai dự án; bổ sung chi phí tài chính, tăng vốn lưu động; bổ sung chi phí hỗ trợ các hộ dân đã di chuyển nhường đất cho dự án.

Dự án thủy điện Sơn La đạt các mốc quan trọng

Dự án thủy điện Sơn La đến nay đã đạt được các mốc quan trọng, đáp ứng mục tiêu tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010 và hoàn thành công trình vào cuối năm 2012.

Công tác quản lý chất lượng được thực hiện ở tất cả các khâu từ thẩm tra thiết kế, thí nghiệm kiểm tra vật liệu xây dựng, cấp phối và công tác thi công tại hiện trường xây lắp, kết quả thí nghiệm các mẫu vật liệu và bêtông đạt yêu cầu thiết kế.

Tổng giá trị giải ngân dự án công trình tới 22/10/2009 đạt khoảng 14.800 tỷ đồng, trong tổng dự toán khoảng 26.500 tỷ đồng. Tồn tại chủ yếu hiện nay là ở dự án tái định cư như chậm thực hiện chi trả tiền bồi thường; công tác thu hồi và giao đất sản xuất còn chậm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận định, công tác xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La đang được thực hiện theo đúng tiến độ, bảo đảm các yêu cầu đã đề ra (có một vài hạng mục vượt kế hoạch); có thể đáp ứng kế hoạch tích nước hồ chứa vào tháng 5 năm 2010 và phát điện tổ máy số 1 công suất 600MW vào cuối năm 2010. Công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân được thực hiện khá đồng bộ.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc còn lại lớn và tính chất thi công xây lắp giai đoạn này đòi hỏi công tác tổ chức cung ứng, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối cho công trình và an toàn lao động trên công trường.

Gắn kết giữa xây dựng đường Hồ Chí Minh với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Đánh giá hiệu quả bước đầu đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc hoàn thành giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350km đã bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế phía Tây đất nước.

Tuy nhiên, những thành quả mà đường Hồ Chí Minh mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù công tác tuyên truyền hướng dẫn khai thác sử dụng đã được triển khai nhưng các phương tiện tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh đến nay chưa đạt mong muốn là do đường nằm trên địa hình trung du miền núi phía Tây, các khu dân cư, khu kinh tế mới đang hình thành trong khi đó các đường ngang kết nối hiện đang trong quá trình đầu tư, cải tạo.

Các quy hoạch liên quan như hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ, sửa chữa, thông tin liên lạc chưa được đầu tư đồng bộ. Đây là tuyến đường mới, đi qua khu vực từng chịu nhiều bom đạn nên việc sụt trượt dưới tác động của thiên nhiên là khó tránh khỏi.

Hiện nay, giai đoạn 2 đang được tập trung triển khai đầu tư xây dựng các dự án thành phần chủ yếu ở các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự kiến đến năm 2013 sẽ nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, việc chậm triển khai thực hiện đầu tư và chậm tiến độ hoàn thành là do các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; bố trí vốn đầu tư; khảo sát, thiết kế công trình cần nghiên cứu kỹ lưỡng và xử lý triệt để.

Thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh sự quan tâm của dư luận đối với công tác đảm bảo bền vững hóa công trình, đặc biệt là ở những khu vực có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp.

Theo Ủy ban này, công tác quy hoạch vẫn còn một số bất cập làm ảnh hưởng đến dự toán, thi công và đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó việc gắn kết giữa xây dựng đường Hồ Chí Minh với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và mạng lưới giao thông chưa được thực hiện thống nhất nên việc khai thác chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Về tiến độ giai đoạn 2 (2007-2010), theo báo cáo có 18 dự án thành phần đã và đang triển khai xây dựng hoặc đang thiết kế kỹ thuật, đấu thầu; 9 dự án đang lập dự án đầu tư, 3 dự án từ Giai đoạn 1 chuyển sang. Trong số đó mới chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, còn lại 11 dự án dự kiến hoàn thành trước năm 2010, 18 dự án phải kéo dài tiến độ.

Như vậy, so với yêu cầu, không thể hoàn thành Dự án Đường Hồ Chí Minh đúng tiến độ để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) vào năm 2010.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội

Báo cáo tình hình thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Đến cuối tháng 8, cả nước đã khoán bảo vệ rừng 2,8 triệu ha (185,3%); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 656.829 ha; chuẩn bị 505 triệu cây giống các loại; trổng rừng tập trung đạt 56,6% kế hoạch, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Sau 10 năm thực hiện Dự án, so sánh kết quả đạt được trong 3 năm (2006-2008) với Nghị quyết của Quốc hội thì các chỉ tiêu chính đều thực hiện vượt, trong đó chỉ tiêu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt 93,5%, chỉ tiêu trồng rừng đạt 61,4% (riêng trồng rừng phòng hộ, đặc dụng mới đạt 55,8%) trong khi vốn đầu tư mới đạt 44,4%.

Những năm gần đây, tốc độ trồng rừng sản xuất tăng mạnh chủ yếu nhờ các chính sách cởi mở trong phát triển rừng; tiến bộ trong công tác giống giúp tăng năng suất rừng rồng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh; thị trường được khơi thông.

Tuy nhiên, một số địa phương chưa tính toán điều chỉnh dự toán cho sát với điều kiện thực tế nên không trồng được rừng phòng hộ, đặc dụng ở những địa bàn xa xôi, khó khăn. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng ở cơ sở còn chậm và lúng túng.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, kết quả thực hiện cho thấy rõ hiệu quả kinh tế-xã hội, môi trường của dự án, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Rừng ở nhiều nơi được cải tạo, nâng cao chất lượng và trữ lượng, có giá trị kinh tế cao.

Khả năng cung cấp gỗ, lâm sản cho nhu cầu trong nước tăng khá nhanh góp phần giảm nhập khẩu gỗ, tăng hiệu quả kinh tế của dự án trồng rừng; góp phần khuyến khích phát triển nghề rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là thu nhập của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

Việc thực hiện Dự án có ý nghĩa và hiệu quả không thể lượng hóa về môi trường, góp phần phát triển bền vững, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu,…Công tác khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vượt kế hoạch đề ra. Độ che phủ rừng toàn quốc tính đến hết năm 2008 đạt 38,7%.

Hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, bảo vệ, cơ bản đảm bảo mục tiêu bảo tồn; các hệ sinh thái quan trọng của quốc gia được bảo vệ, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học./.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất