Năm
2014 là năm thứ hai ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) triển khai thực hiện
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương
khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Để tạo bước đột
phá trong ngành giáo dục, ngành Giáo dục đã và đang có những thay đổi
căn bản từ cấp Tiểu học đến Đại học (ĐH).
Không chấm điểm ở cấp Tiểu học
Từ cuối tháng 8 đến tháng 11/2014, Bộ
GD-ĐT ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, trong đó có quy định không
dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh Tiểu học và
Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm- học thêm đối
với giáo dục ở cấp học này, trong đó có quy định không ra bài tập về
nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày.
Tuy không chấm điểm hàng ngày đối với
học sinh nhưng Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu và có hướng dẫn các địa phương vẫn
tổ chức kiểm tra định kỳ cho học sinh cấp Tiểu học theo thời khóa biểu
vào buổi học chính khoá.
Song song với việc không chấm điểm hàng
ngày, Bộ GD-GD đẩy mạnh việc kiểm soát đối với tình trạng dạy thêm-học
thêm tràn lan, khó kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, Bộ cũng
quy định rõ không tổ chức thi học sinh giỏi Tiểu học, xóa lớp chọn ở
Tiểu học và THCS, không tổ chức khảo sát đầu năm học, không tổ chức thi
tuyển sinh học sinh vào lớp 6...
Từ khi ban hành những quy định khá chặt
chẽ trên đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều của xã hội. Tuy
nhiên, theo giải thích của ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục
Tiểu học, Bộ GD-ĐT, việc làm trên được coi là giải pháp “mạnh” để giải
quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định hiện nay cũng
như đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh Tiểu học; giảm áp lực về chạy
theo điểm số đối với học sinh và phụ huynh.
Thay đổi cách dạy và thi cử theo hướng đánh giá toàn diện năng lực
Đối với giáo dục trung học phổ thông
(THPT), trong năm 2014, ngành Giáo dục đã thực hiện đổi mới kiểm tra và
đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực toàn diện.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định
chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, thực hiện đổi mới
đề thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, đề thi cho học sinh
tham dự kỳ thi THPT 2014 đã được Bộ GD-ĐT tăng cường các câu hỏi ở mức
độ vận dụng, các câu hỏi “mở” yêu cầu học sinh sử dụng các kiến thức
tổng hợp và hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề trong học tập và
trong thực tế.
Đề thi có nội dung phù hợp với chuẩn
kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Đặc biệt, đề thi các môn Ngữ
văn, Lịch sử, Địa lý đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị-xã hội và
yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá năng
lực học sinh thông qua kỳ thi THPT, trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014, Bộ
GD-ĐT cũng đã ra đề thi theo hướng này và được thí sinh, dư luận xã hội
đánh giá cao. Việc ra đề thi một cách tổng quát nhằm kiểm tra năng lực,
tư duy của thí sinh là tiền đề quan trọng để ngành Giáo dục tác động
tích cực đến quá trình dạy và học ở trong trường học, từng bước khắc
phục tình trạng “học tủ”, “học lệch” mang tài liệu vào phòng thi, sử
dụng các khuôn mẫu có sẵn. Do đó, góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm-
học thêm khó kiểm soát.
Chỉ còn 1 kỳ thi THPT quốc gia
Ngay từ đầu Năm học mới 2014-2015, Bộ
trưởng GD-ĐT chính thức ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án
thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015. Sau đó hơn 3
tháng, Bộ chính thức công bố Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ
chính quy và kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến
được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4/7/2015 với 8 môn thi gồm: Toán,
Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Theo quy chế dự thảo, để xét công nhận
tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3
môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự
chọn trong số các môn thi còn lại. Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí
sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định sẽ được miễn thi
môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Điểm nổi bật trong kỳ thi THPT quốc gia
là các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển
thí sinh xuất sắc nhất vào trường. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nghiêm
túc và khách quan cho kỳ thi, kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi
theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung”
(chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) những năm qua, kỳ thi
THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi. Bộ trưởng GD-ĐT quyết định
cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là
tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi sẽ
bao gồm cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.
Đổi mới sách giáo khoa: Rút từ 34.000 tỷ đồng xuống 400 tỷ đồng
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, có
tới 88,22% đại biểu bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về Đổi mới
chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
Với việc thông qua Nghị quyết này, Bộ
GD-ĐT sẽ tổ chức việc biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các
tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ
thông.
Theo dự thảo Nghị quyết vừa được thông
qua, yêu cầu đổi mới chương trình và SGK phổ thông là: Kế thừa và phát
triển những ưu điểm của chương trình, SGK hiện hành, phát huy những giá
trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế
quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và
hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục
theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình
trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Từ năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục
bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới
theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp Tiểu học, THCS và THPT.
Đáng chú ý là kinh phí cho Đề án Đổi mới
chương trình, SGK giáo dục phổ thông này từ hơn 34.000 tỷ đã được rút
xuống còn hơn 400 tỷ đồng.
Dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH
Ngay từ cuối tháng 1/2014, Bộ GD-ĐT thông báo kết quả rà soát ngành đào tạo trình độ ĐH.
Theo đó, có 207 ngành trình độ ĐH của 71
cơ sở đào tạo phải dừng tuyển sinh do không đáp ứng điều kiện quy định
về số lượng giảng viên cơ hữu (giảng viên giảng dạy ổn định, nằm trong
biên chế của trường) có trình độ cao theo quy định của Bộ GD-ĐT. Có thể
nói, đây là lần đầu tiên, ngành Giáo dục công khai số lượng lớn ngành
nghề ĐH bị dừng tuyển sinh.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo
dục ĐH (Bộ GD-ĐT), mục tiêu của các đợt rà soát là nhằm đánh giá thực
trạng điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành, chuyên ngành đào tạo,
nhất là về đội ngũ giảng viên cơ hữu; thống nhất cách thức quản lý ở cấp
hệ thống và cấp cơ sở. Việc dừng các ngành, chuyên ngành không đủ giảng
viên cơ hữu theo quy định là để các trường phải có định hướng, kế hoạch
phát triển và quản lý đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường mình; xây
dựng cơ sở cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống giáo
dục ĐH.
Qua kiểm tra rà soát, Bộ GD-ĐT chủ
trương phát đi cảnh báo về việc đáp ứng chuẩn tối thiểu đảm bảo chất
lượng về đội ngũ giảng viên cơ hữu từng ngành đào tạo của nhà trường.
Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng quyết định đến chất lượng
dạy và học ĐH.
Giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường ĐH công lập
Tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT và các Bộ,
ngành liên quan diễn ra cuối tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng nhấn mạnh: Giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho
các trường ĐH không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn tạo động lực
và là khâu đột phá nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc
tế.
Ngay sau đó, vào cuối tháng 10/2014,
Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế
hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017.
Trước tiên, trong giai đoạn này, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT và các
Bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện
tại 4 trường ĐH: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Ngoại thương
và ĐH Hà Nội.
Việc thí điểm này nhằm khuyến khích các
cơ sở giáo dục ĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả
nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho Ngân sách Nhà
nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của sinh viên
nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách. Việc thí điểm đổi mới này
cũng nhằm hướng tới tự chủ toàn diện cho các trường ĐH, CĐ trong cả
nước.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ
Vũ Đức Đam cho rằng, các trường ĐH, CĐ công lập đã có sẵn lợi thế, tiềm
lực về thời gian hoạt động, đất đai, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư
cần mạnh dạn tự chủ về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo, đi kèm
với đó là mức học phí.
Xử lý nghiêm các trường “núp” bóng ĐH tư thục không vì lợi nhuận
Cuối tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ
ký Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ban hành Điều lệ trường ĐH. Một trong
những nội dung được quan tâm là các trường ĐH tư thục hoạt động không vì
lợi nhuận và các trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì
lợi nhuận được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ trong hoạt động đào tạo,
phát triển đội ngũ giảng viên, được ưu đãi thuế... Tuy nhiên, trong
Quyết định lại nêu rõ, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận
không được tổ chức đại hội đồng cổ đông. Vì vậy, trường nào “núp” bóng
danh nghĩa ĐH tư thục không vì lợi nhuận để được hưởng ưu đãi của Nhà
nước có thể bị xử phạt, truy tố tùy vào mức độ vi phạm.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục
ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong thời gian tới, ngoài các biện pháp chung
có tính truyền thống như: quy định về việc các trường phải thực hiện chế
độ báo cáo, lưu trữ; tăng cường thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm
tra, xử lý vi phạm, xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả vi
phạm… thì đối với các trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận cần
phải tăng cường kiểm tra báo cáo tài chính hàng năm, tăng cường thanh
tra tài chính và kiểm toán theo định kỳ…
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ
tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung của Điều lệ trường ĐH nói
riêng và hệ thống pháp luật giáo dục ĐH nói chung để người học, các
giảng viên, cán bộ quản lý và toàn xã hội hiểu các quy định mới này nhằm
nâng cao trách nhiệm tham gia và giám sát hoạt động của các trường ĐH
một cách hiệu quả hơn./.
(Theo: VOV)