Ban chủ nhiệm Chương trình phòng chống phong quốc gia cho biết, 5 năm qua (2006-2010), với sự nỗ lực của ngành y tế và các địa phương, nhất là chuyên ngành da liễu, 42 tỉnh, thành phố đã hoàn thành loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Mỗi năm, ngành y tế đã khám từ 10 đến hơn 13 triệu lượt người, phát hiện 650-1.000 bệnh nhân phong mới/năm; đồng thời thực hiện đa hóa trị liệu khỏi bệnh cho từ 550 đến gần 800 trường hợp... Trên cơ sở đó, hạ thấp tỷ lệ lưu hành bệnh phong trên cả nước xuống còn 0,04/10 nghìn dân,
Tuy nhiên đến nay, một số địa phương thuộc miền trung, Tây nguyên và Nam Bộ tình hình dịch tễ bệnh phong vẫn diễn biến phức tạp. Cho nên hàng năm tỷ lệ phát hiện người mắc phong mới còn cao (hơn 1/100 nghìn dân), tỷ lệ tàn tật độ 2 trong số bệnh nhân mới tuy có giảm nhưng vẫn chiếm 15-50%, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Kiên Giang, Ninh Thuận...
Ngành y tế xác định tiếp tục thực hiện quyết liệt Chương trình phòng chống phong quốc gia đến năm 2015 nhằm đạt các mục tiêu: 80% số huyện trong cả nước không còn người mắc phong mới, 100% bệnh nhân phong mới được đa hóa trị liệu, và số người tàn tật được chăm sóc và phục hồi chức năng.Phấn đấu đến 2015, loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam ở 21 tỉnh, thành phố còn lại, và tiến tới thanh toán căn bệnh quái ác này vào năm 2030.
(Theo Nhân dân)