Thứ Năm, 24/2/2011 16:52'(GMT+7)
Củng cố mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Ngày 24/2, tại lễ kỷ niệm 56 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2011), bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2011, ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các chương trình sức khỏe. Về công tác y tế dự phòng, ngành chủ động giám sát dịch tễ, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả, dự phòng thuốc hóa chất đầy đủ để chủ động trong công tác phòng chống dịch, không để các dịch lớn xảy ra, khống chế, đẩy lùi các dịch mới phát sinh, giảm tỷ lệ mắc và chết của các bệnh dịch.
Thành phố tiếp tục củng cố hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến, ưu tiên các bệnh viện tuyến quận - huyện và các bệnh viện đa khoa ở cửa ngõ thành phố. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các bệnh viện chuyên sâu, kỹ thuật cao, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao có chất lượng ở nơi gần nhất.
Về công tác dược và y học cổ truyền, thực hiện chủ trương thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) và thực hành tốt nhà thuốc (GPP), thành phố phấn đấu cuối năm 2011, có 100% nhà thuốc đạt chuẩn GPP; tiến hành hậu kiểm đối với các nhà thuốc GPP trên địa bàn, thực hiện tốt chủ trương từng bước chuẩn hóa công tác kinh doanh dược phẩm trên địa bàn thành phố; đặc biệt tăng cường giám sát công tác đấu thầu thuốc tại các bệnh viện...
Năm 2011, ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh đặt một số mục tiêu cơ bản như mức giảm tỷ lệ sinh 0,05 phần nghìn, 13 bác sĩ trên 1 vạn dân; 42 số giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ xã có trạm y tế là 100%, trong đó có 80% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
* Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn cho biết, trong năm 2011, ngành y tế sẽ tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án lớn nhằm phát triển hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Điển hình là hoàn thiện và triển khai dự án "Quy hoạch phát triển hệ thống bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030". Bên cạnh đó, ngành nâng cao chất lượng công tác thống kế tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2011-2015; tăng cường quản lý, đảm bảo sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực được đầu tư, đẩy nhanh thực hiện các dự án đã phê duyệt trước năm 2010 gồm các bệnh viện đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Phụ Sản Hà Nội giai đoạn II, bệnh viện miền núi Ba Vì, bệnh viện đa khoa huyện Gia Lâm…Ngành cũng sẽ triển khai dự án xây dựng cơ bản đã được phê duyệt với nhu cầu vốn đầu tư năm 2011 là 437,5 tỷ đồng, xây mới các bệnh viện: Đa khoa Xanh pôn cơ sở II, bệnh viện Mắt và bệnh viện Nhi, bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2.| Đặc biệt, ngành đang triển khai các bước để tiến hành xây dựng tổ hợp bệnh viện 1.000 giường vừa được thành phố phê duyệt tại huyện Mê Linh…
Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng tại 549 xã, phường. Năm 2011, Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình này tại 28 xã, phường còn lại, đảm bảo mục tiêu phủ kín chương trình ở 100% xã, phường trên địa bàn thành phố.
* Năm 2011, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở trong đó tập trung nâng cấp, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh, sắp xếp lại hệ thống y tế công lập gắn với phát triển các cơ sở y tế tư nhân và kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Mục tiêu năm nay là tăng cường bố trí bác sĩ cho 20 trạm y tế chưa có bác sĩ phục vụ, phủ kín nhân viên y tế tại 44 ấp, khóm và tiếp tục đầu tư 19 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư hơn 91 tỷ đồng thi công xây dựng, nâng cấp trong đó tập trung cho 5 dự án chuyển tiếp từ năm 2010, gồm dự án Bệnh viện đa khoa thành phố Vĩnh Long, Trung tâm y tế huyện Vũng Liêm, Trung tâm y tế huyện Bình Minh, đề án trạm y tế xã và thi công hạ tầng kỹ thuật cho các dự án Bệnh viện lao-phổi-tâm thần và Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Vĩnh Long tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nguồn tài chính cho y tế hướng đến nguồn tài chính công, gồm ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ ít nhất 50% trong tổng ngân sách chi tiêu y tế, ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng mới các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa. Tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với giá dược phẩm, lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân, gắn cải cách thủ tục khám và chữa bệnh với giáo dục nâng cao y đức, giảm phiền hà cho nhân dân, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.
* Vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đời sống, ngành Y tế Hà Giang đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, mang lại sự sống và niềm vui cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Năm 2011, ngành Y tế Hà Giang tăng cường bác sỹ cho tuyến y tế cơ sở, phấn đấu đến cuối năm, 100% trạm y tế xã có bác sỹ phụ trách và thường xuyên về công tác.|
Nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đức Quý, Bác sỹ Chuyên khoa II, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Trần Đức Quý đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhiều tập thể, cá nhân của ngành Y tế Hà Giang được nhận Bằng khen của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang vì có thành tích xuất sắc trong phong trào chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
PV