Thứ Sáu, 22/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 28/9/2020 3:0'(GMT+7)

Xây dựng lược đồ chọn mẫu trong điều tra dư luận xã hội

Một số phương pháp chọn mẫu cơ bản được sử dụng trong các cuộc điều tra DLXH trong hệ thống ngành tuyên giáo gồm: lấy mẫu ngẫu nhiên hệ thống; lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng; lấy mẫu ngẫu nhiên theo cụm; lấy mẫu ngẫu nhiên theo nhiều nấc; cách lấy mẫu không theo nguyên tắc ngẫu nhiên... Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp chọn mẫu trong điều tra DLXH đảm bảo được tính đại diện, chính xác, khách quan cần xây dựng lược đồ chọn mẫu phù hợp. Xây dựng lược đồ chọn mẫu trong điều tra DLXH bao gồm các công việc: xác định quy mô tổng thể chung, xác định cỡ mẫu, lựa chọn phương pháp tổ chức chọn mẫu, phân bổ mẫu và tiến hành chọn mẫu.

XÁC ĐỊNH QUY MÔ VÀ CƠ CẤU CÁC ĐƠN VỊ CỦA TỔNG THỂ CHUNG THUỘC ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU TRA

Trong điều tra DLXH, tùy thuộc vào nội dung và yêu cầu của chủ đề nghiên cứu mà chúng ta xác định quy mô, cơ cấu của các đơn vị tổng thể chung thuộc đối tượng điều tra. Ví dụ: nếu điều tra dư luận về một vấn đề hay sự kiện nào đó đối với toàn thể người dân Việt Nam thì quy mô các đơn vị tổng thể chung bao gồm toàn bộ dân số từ 15 tuổi trở lên đang cư trú tại Việt Nam; nếu nội dung điều tra lấy ý kiến của các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam về tình hình tư tưởng của đảng viên hiện nay thì quy mô các đơn vị tổng thể chung bao gồm toàn bộ số đảng viên đang sinh hoạt ở các cơ sở, tổ chức Đảng.

Cách xác định quy mô và cơ cấu các đơn vị của tổng thể chung phục vụ cho nghiên cứu, điều tra DLXH có thể dựa vào số lượng và cơ cấu dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam. Số lượng dân số này được phân theo vùng kinh tế - xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, mỗi vùng được phân thành hai khu vực thành thị và nông thôn. Số liệu này có trong kết quả điều tra “Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình” hàng năm của Tổng cục Thống kê. Đây chính là cơ sở để xác định cỡ mẫu cho cả nước, từng vùng và phân bổ mẫu cho các tỉnh, thành phố và có thể phân bổ mẫu cho các khu vực thành thị, nông thôn khi cần thiết.

XÁC ĐỊNH CỠ MẪU ĐIỀU TRA

Xác định cỡ mẫu hay quy mô mẫu là xác định số đơn vị để đến đó trực tiếp thu thập thông tin của điều tra.

Yêu cầu số liệu điều tra chọn mẫu đại diện cho cấp độ nào thì cỡ mẫu thường xác định cho cấp độ đó. Với điều tra DLXH như nội dung đã đề cập thì cụ thể như sau: nếu số liệu điều tra chọn mẫu yêu cầu chỉ cần đại diện chung cho phạm vi cả nước thì sẽ xác định một cỡ mẫu chung cho cả nước. Nếu số liệu điều tra chọn mẫu cần đại diện đến vùng kinh tế - xã hội thì phải xác định cỡ mẫu cho các vùng. Nếu số liệu điều tra chọn mẫu cần đại diện đến cấp tỉnh, thì phải xác định cỡ mẫu cho các tỉnh (mỗi tỉnh một cỡ mẫu).

LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC CHỌN MẪU

Phương án thứ nhất: Nếu số liệu điều tra chỉ yêu cầu đại diện chung cho cả nước thì cỡ mẫu được phân cho 6 vùng và mỗi vùng chọn ra một số tỉnh, thành phố. 

Cách tiến hành chọn mẫu như sau: 1) Chọn lấy một số quận và huyện của tỉnh, thành phố, mỗi quận được chọn sẽ tiến hành điều tra công chức của quận và tiếp tục chọn ra một số phường để điều tra những người làm kinh doanh và hưu trí cư trú tại phường. Còn với mỗi huyện được chọn sẽ tiến hành điều tra công chức của huyện và tiếp tục chọn ra một số xã để điều tra nông dân và hưu trí cư trú tại xã; 2) Chọn một số cơ quan của tỉnh, thành phố để điều tra công chức của tỉnh, thành phố; 3) Chọn một số cơ quan cấp Trung ương đóng tại thành phố để điều tra công chức cơ quan Trung ương (nếu là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); 4) Chọn một số trường cao đẳng, đại học để điều tra học sinh, sinh viên; 
5) Chọn một số doanh nghiệp để điều tra công nhân của doanh nghiệp. Theo phương pháp trên đây thì tỉnh, thành phố là đơn vị mẫu cấp I; Quận, huyện, các cơ quan của tỉnh và cơ quan Trung ương đóng ở tỉnh, các trường cao đẳng, đại học và các doanh nghiệp là mẫu cấp II, riêng phường của các thành phố có cấp quận và xã là cấp mẫu trung gian. Còn những người cung cấp thông tin (đối tượng điều tra) thuộc các tầng lớp xã hội là mẫu cấp III, mẫu cấp cuối cùng của cuộc điều tra. Số lượng đơn vị mẫu các cấp do cơ quan tổ chức điều tra xác định.

Phương án thứ hai: Nếu số liệu cần đại diện cho từng vùng (6 vùng kinh tế - xã hội) thì cỡ mẫu sẽ xác định cho từng vùng và mỗi vùng sẽ chọn tỉnh, thành phố đại diện (chọn đơn vị mẫu cấp I) và trong mỗi tỉnh, thành phố được chọn lại tiếp tục chọn ra các quận, huyện, cơ quan, trường đại học và doanh nghiệp (chọn đơn vị mẫu cấp II) cũng như ở các  quận, huyện được chọn tiếp tục chọn ra các phường, xã (phường, xã là đơn vị mẫu trung gian) để thu thập thông tin từ các đối tượng điều tra (đơn vị mẫu cấp III) được phân theo các tầng lớp xã hội như ở phương án một. Tuy nhiên, số lượng mẫu ở mỗi cấp điều tra ở phương án hai phải nhiều hơn ở phương án một.
 
PHÂN BỔ MẪU

Nếu theo phương án một (số liệu điều tra cần đại diện cho cấp độ cả nước) thì tiến hành như sau: 1) Số mẫu xác định cho cả nước được phân bổ cho cả 6 vùng theo một trong hai cách: phân bổ tỷ lệ thuận với quy mô tổng hoặc phân bổ tỷ lệ thuận với căn bậc hai quy mô tổng thể. Nếu phân bổ tỷ lệ thuận với quy mô tổng thể thì các tham số bình quân và tỷ lệ chung của cả nước tính từ các vùng thực tế không phải tính lại mà lấy trực tiếp từ số liệu điều tra chọn mẫu. 2) Số mẫu của từng vùng phân đến các tỉnh, thành phố trong vùng có thể xác định như nhau hoặc phân theo tỷ lệ với quy mô tổng thể giữa các tỉnh được chọn trong vùng (trong các tỉnh của vùng được chọn, tỉnh nào có quy mô tổng thể lớn hơn thì sẽ có cỡ mẫu lớn hơn và ngược lại). 3) Khi có cỡ mẫu theo tổng số đơn vị chọn mẫu của từng tỉnh, thành phố thì tính ngược lại để xác định tỷ lệ mẫu của mỗi tỉnh, thành phố so với tổng số mẫu của cả nước được chọn để điều tra, rồi dùng tỷ lệ đó để phân bổ mẫu theo mỗi tầng lớp (nông dân, công nhân, hưu trí …) của cả nước cho các tỉnh, thành phố đó. 

Trên cơ sở cỡ mẫu được xác định cho từng tỉnh, thành phố được chọn để điều tra có phân chia cho từng loại tầng lớp: nông dân, công nhân, kinh doanh… thì ở mỗi tỉnh sẽ xác định số quận huyện, số cơ quan, trường học và số doanh nghiệp (mẫu cấp II) cần thiết để tiếp tục lựa chọn số người thuộc mỗi tầng lớp đó để tiến hành thu thập thông tin về dư luận xã hội.

Nếu theo phương án hai (số liệu điều tra cần đại diện cho cấp độ từng vùng) cần tiến hành như sau: 1) Số mẫu của từng vùng được trực tiếp xác định cho từng vùng chứ không phải phân bổ mẫu như phương án một. 2) Tiến hành phân bổ mẫu đã xác định của từng vùng cho các tỉnh, thành phố được chọn trong vùng. Mẫu của vùng có thể phân đều cho là các tỉnh, thành phố hoặc phân theo tỷ lệ với quy mô các đơn vị tổng thể chung giữa các tỉnh, thành phố được chọn trong vùng (trong các tỉnh, thành phố được chọn vào mẫu, tỉnh, thành phố nào có quy mô tổng thể chung lớn hơn thì sẽ có quy mô mẫu lớn hơn và ngược lại). 3) Khi có cỡ mẫu của từng tỉnh, thành phố được chọn thì tiếp tục phân bổ cỡ mẫu theo từng loại tầng lớp xã hội như nông dân, công nhân, kinh doanh… chung của cả nước cho các tỉnh, thành phố tương tự như các phân bổ này theo phương án một. 4) Tiếp theo xác định các huyện, quận, cơ quan, doanh nghiệp… cũng tiến hành như phương án một. 

Cần lưu ý, việc phân bổ mẫu các cấp đều do cơ quan tổ chức điều tra thực hiện.

TIẾN HÀNH CHỌN MẪU

Theo cả hai phương án điều tra chọn mẫu DLXH như đã nói ở trên đều phải chọn mẫu 3 cấp: trong từng vùng chọn tỉnh, thành phố (mẫu cấp I). Trong mỗi tỉnh, thành phố được chọn, tiếp tục chọn mẫu các quận huyện; Các cơ quan hành chính cấp trung ương đóng ở thành phố (nếu là thành phố Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh); Các cơ quan hành chính của tỉnh, thành phố; Các trường cao đẳng, đại học và các doanh nghiệp đóng ở tỉnh, thành phố (mẫu cấp II). Trong mỗi đơn vị mẫu cấp II được chọn lại tiếp tục chọn ra số người cần chọn để điều tra thu thập thông tin. Ngoài ra, ở các quận và huyện được chọn còn phải chọn các phường và xã (gọi là cấp chọn mẫu trung gian) để từ đó tiến hành chọn những người tự kinh doanh và hưu trí cư trú ở phường,  chọn những người là nông dân và hưu trí cư trú ở xã. 

Trên đây là những nội dung cơ bản của việc xây dựng lược đồ chọn mẫu trong điều tra dư luận xã hội. Tùy theo những yêu cầu và điều kiện của từng cuộc điều tra cụ thể mà vận dụng để xây dựng lược đồ điều tra cho phù hợp./.

ThS.  Từ Thúy Quỳnh
Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất