Thứ Bảy, 27/7/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 9/9/2020 14:18'(GMT+7)

Những thành tựu nổi bật 75 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

CÓ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ ĐỘC LẬP, CÓ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ VÀ TỰ QUYẾT ĐỊNH CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA MÌNH 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phátxít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ khi ra đời (tháng 2/1930), Đảng ta đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa. Đảng ta “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Đảng luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho việc xây dựng tổ chức và hoạt động của mình. Vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo hệ thống chính trị được xác định rõ hơn. Dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Đảng ngày càng khẳng định năng lực hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo, tư duy chiến lược và năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương đó trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Vì vậy, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Quốc hội đã có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu Quốc hội đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động; tăng cường bộ phận chuyên trách. Chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội đã đổi mới theo yêu cầu dân chủ và pháp quyền. Chính phủ có những thay đổi rõ rệt từ cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động. Nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được tuân thủ tốt hơn. Hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước được nâng lên. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước từng bước được thực hiện. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước đã có những bước tiến nhất định. 

Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu của đất nước. 

TRỞ THÀNH NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH 

Trải qua 75 năm, nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991-1995) hoàn thành vượt mức, sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2006-2010, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,8%/năm(2). Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỉ USD năm 2010 lên trên 80 tỉ USD vào năm 2020(3). 

6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, GDP 6 tháng của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tích cực thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu tạo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh, phát triển, khơi thông các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có tiến bộ. Cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa được chú trọng gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Ngành công nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục trong nhiều năm; tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ được cải thiện, nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, quy trình quản lý công nghiệp hiện đại được áp dụng. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, thị trường được mở rộng. Một số ngành dịch vụ mới, chủ lực có giá trị gia tăng cao như khoa học - công nghệ, thiết kế công nghiệp, nghiên cứu thị trường, tài chính, ngân hàng, viễn thông… đã hình thành và từng bước phát triển. Việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có tiến bộ, tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng được nâng lên rõ rệt: Năm 2013 - 2014 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

VĂN HÓA TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC 

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân, là ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Từ đó đến nay, nền văn hóa Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, dân tộc, khoa học, đại chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành nguồn lực phát triển đất nước.

Giai đoạn 2011-2020, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chính phủ được sắp xếp, điều chỉnh, giảm đầu mối theo hướng tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đã giảm 3 đầu mối trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; giảm hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, gần 15.200 cấp trưởng, phó, tinh giản 97.900 biên chế(1).

Nhận thức của Đảng và Nhà nước, của nhân dân về vai trò của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đầy đủ và nâng cao. Nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội đã được coi trọng với một số chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa, gắn văn hóa với phát triển. Đã bước đầu khai thác văn hóa như nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người. Hoạt động thể dục, thể thao ngày càng được mở rộng, đạt nhiều thành tích cao của khu vực và thế giới.

Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn để giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Các hội văn học nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từng bước được củng cố. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. 

Văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số được chú trọng, đầu tư phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn, khẳng định giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam. Đời sống văn hóa tinh thần, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được khôi phục, tôn trọng. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, từng bước phát triển theo chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 114/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ)”.

Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt đời sống tinh thần của người dân. 

ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN ĐƯỢC CẢI THIỆN, KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO 

Ngay từ khi thành lập, hệ thống chính sách xã hội của nước ta được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Giai đoạn 1945-1954, những chính sách đầu tiên về lao động, việc làm, về khuyến khích tăng gia sản xuất, bảo vệ quyền của người lao động, về chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Đặc biệt, trong những năm gần đây (2016-2020), việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách xã hội đã nhanh chóng được bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo đảm các quyền cơ bản của con người phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và với các tiêu chuẩn tiến bộ về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận; ban hành và triển khai một số chính sách trong lĩnh vực lao động, ưu đãi người có công, an sinh xã hội, chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số; hệ thống văn bản pháp luật, chính sách đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; các chính sách về tiền lương,...       

Cùng với tăng trưởng kinh tế, nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động được thực hiện. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở thành thị có xu hướng giảm dần từ mức 4,5% năm 2010 xuống còn 3% năm 2020(4). Từ 2006-2011, đã giải quyết được việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 4,5%. Lao động qua đào tạo đã có những chuyển dịch tích cực. Công tác dạy nghề cũng đạt được những kết quả quan trọng, số người được đào tạo nghề liên tục tăng. Năm 2002, số người được dạy nghề là 1 triệu người, đến năm 2004 là gần 1,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện đáng kể từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020. 

Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao. Tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm liên tục từ 30% năm 1992 xuống còn 8,3% năm 2004. Đến năm 2000, cơ bản xóa xong tình trạng đói kinh niên. Giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều(5)).

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Mạng lưới khám, chữa bệnh trên toàn quốc được sắp xếp lại, hệ thống tổ chức y tế cơ sở (xã, phường, thị trấn) được củng cố, đủ sức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.

Đến năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng, thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật.

Việt Nam cũng là một trong những nước đã chủ động sản xuất nhiều vắcxin phòng bệnh (bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn…); bào chế và sản xuất dược các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ; kiểm soát và ngăn ngừa được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Là một điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về phát triển giáo dục. Đến nay, quy mô giáo dục của Việt Nam phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và được chuẩn hóa, ngày càng đồng bộ về cơ cấu trong 10 năm qua. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Việc thực hiện công bằng trong giáo dục đạt được những kết quả tích cực. 

Quan trọng hơn, chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên. Nội dung chương trình giáo dục mầm non được đổi mới đã giúp trẻ tự tin, chủ động trong giao tiếp và tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục; có nhiều tiến bộ và phát triển tốt cả 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Chất lượng giáo dục phổ thông nước ta trở thành tâm điểm nghiên cứu của thế giới. Giáo dục hướng nghiệp đã được quan tâm đổi mới về nội dung, đa dạng hóa các hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành, gắn với thực tiễn. Giáo dục mũi nhọn đã được chú trọng và tiếp tục đạt kết quả tốt. Chất lượng đào tạo đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được nâng cao. Trong những thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước 10 năm qua có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao, mà đa số được đào tạo trong nước.

NÂNG CAO VỊ THẾ, UY TÍN VIỆT NAM TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ 

75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Cả nước có 1.400 bệnh viện với 180.000 giường bệnh, 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020.

Cùng với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, chúng ta đã ra sức xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Công tác đối ngoại đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Công tác đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ pháp luật trong việc đẩy lùi, vô hiệu hóa các âm mưu và hành động chống phá Đảng, Nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài; đấu tranh bảo vệ quyền và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ 7 nước G7 và 17/20 nước thành viên G20. Thiết lập và nâng cấp nhiều mối quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ với các đối tác hàng đầu không chỉ phát triển mạnh trên kênh Nhà nước, mà còn được đẩy mạnh trên cả kênh Đảng với nhiều hoạt động cấp cao vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa có nhiều nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả./.

Riêng giai đoạn 2016 - 2020, dòng vốn FDI tính đến 20/2/2020 có 31.434 dự án có hiệu lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ với tống số vốn đăng ký là 370 tỉ USD.

Bảo Châu
------------------------------------
(1) (2) (3) (4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.103, 84, 85. 100, 100.












 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất