Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 18/7/2013 22:47'(GMT+7)

“Nhà báo kền kền”



Có người trung thành với một hai tờ báo mà họ tin cậy, nhưng cũng có người tuy nghiện đọc báo, nhưng không đặt mua dài hạn mà ra quầy báo mua từng số. Lướt qua các tờ báo thấy báo nào có tin, bài “có vẻ” đáng đọc, có bài của những người viết báo mà họ yêu thích thì bỏ tiền ra mua... Dù họ là loại độc giả nào thì cũng là những người quan tâm đến báo và thuộc tên của nhiều nhà báo. Quan tâm tới báo thì họ cũng quan tâm tới hoạt động của những người làm báo qua các tác phẩm báo chí mà họ được đọc. Báo chí đưa tới cho họ nhiều thông tin, bình luận bổ ích, nhưng cũng gây cho họ không ít điều băn khoăn.
Có dịp luận bàn trong thời buổi kinh tế khó khăn, họ trao đổi ý kiến với nhau. Một ông nói:
- Tình hình khó khăn thì ai cũng thấy rõ, tôi có đứa cháu bị thất nghiệp vì doanh nghiệp không đủ việc làm phải giãn thợ, nhưng đọc báo thấy sốt ruột quá!
- Đấy ông xem, tờ báo ông cầm tay đó, chỉ một số báo mà họ dùng đủ từ “khiếp sợ” mô tả khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Nào là: “Đuối sức”, “Thoảng mùi kèn trống”, “Thở hắt ra”, “Ngắc ngoải”, “Vùng vẫy trong vũng lầy”, “Thoi thóp nằm chờ”, “Chết lâm sàng”... rồi “Thị trường vắng như sa mạc, lạnh như băng Bắc cực”... đọc mà phát hoảng.
- Thì tôi cũng vừa đọc xong và thấy chính cái ông viết này, mấy tháng trước, hết lời ca ngợi, nào là “Thời vàng son”, “Trên đỉnh vinh quang” của chính doanh nghiệp mà lần này ông ta cho là “đang chết lâm sàng”. Cho nên đọc bài của ông ta tôi đã ngờ ngợ từ thời ông ấy ca ngợi thành tích “đỉnh”, cho nên cũng ngờ ngợ cái gọi là “chết lâm sàng”... Mấy ông ấy hay nói quá lên, lúc thì tô hồng, lúc thì bôi đen, chẳng biết ông ta, bà ta có lúc nào biết xấu hổ, ngượng tay, ngượng mồm khi tung ra những lời ngoa ngoắt đó?
- Cũng là đánh lừa bạn đọc.
- Gần đây, tôi có đọc một bài của một nhà báo ví một số ông, bà nhà báo đó như con kền kền, thấy máu thì xông vào rỉa thịt; là thứ “nhà báo kền kền” chuyên moi móc, rỉa rói cái xấu xa, rồi cường điệu!.
- Đáng lẽ trong lúc khó khăn này thì phải tìm cách giúp đỡ, động viên, bày cách để các doanh nghiệp vượt qua, vì họ khó khăn, liên quan tới công ăn việc làm của người lao động, thương hiệu hàng Việt và kinh tế đất nước. Thấy người ta ốm lại xông vào đánh hôi. Họ chưa chết mà hùa vào nói thế thì ngân hàng nào dám cho vay vốn, đối tác nào dám ký hợp đồng, công nhân nào yên tâm làm việc... Thế là chết chắc!.
- Nhân chuyện một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn lớn, ông chồng bà ta phải nói: “Cũng tại các ông nhà báo, trước đây các ông ấy “thổi bà ấy lên mây xanh”, thì bây giờ chính các ông ấy lại “dìm bà ấy xuống bùn đen”!.
- “Mây xanh”, “bùn đen” đều là sự lừa lọc.
- Đó là nói về bài báo, còn về tư cách người làm báo thì vừa thiếu trách nhiệm xã hội, vừa thiếu trung thực.
- Xúm vào đánh hôi theo kiểu “té nước theo mưa”, hùa nhau “đánh hội đồng” còn là thiếu nhân cách và đạo đức người cầm bút!
- Cũng không loại trừ nhận tiền, nhận quà để “thổi lên mây xanh”, bây giờ “dìm xuống bùn đen” thì như hồi ký của nhà báo Ngô Công Đức cho rằng “càng ác khẩu, càng nói ngang ngược thì càng có nhiều người đọc, báo bán càng chạy” theo kiểu thương mại hóa.
- Thế là ngòi bút nghiêng ngả, không vì lợi ích dân tộc, cũng không vì mong muốn chân chính của người đọc! Thật nực cười./.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        
Nhân Chính
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất