Kết quả sau 5 năm triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân
thiện-Học sinh tích cực” và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội của Cuộc vận
động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” chính là những
tiền đề rất quan trọng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao
hiệu quả quản lý nhằm dạy tốt và học tốt hơn.
Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương
hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo
dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ
chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 20/7.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, lãnh đạo Bộ Giáo dục
và Đào tạo, lãnh đạo một số địa phương và giám đốc Sở GD-ĐT 63 tỉnh,
thành phố cùng dự Hội nghị.
Chấn chỉnh kỷ cương các kỳ thi quốc gia - Điểm sáng năm học 2012-2013
Từ năm 2008 đến 2013, ngành
giáo dục đã xây dựng được 51.700 nhà vệ sinh tại các nhà trường, lớn hơn
tổng số nhà vệ sinh của cả nước đã có trong hàng chục năm qua. Ngành
giáo dục đã chuẩn hóa được 94,5% số bàn ghế đạt chuẩn; 96,8 % số trường
cả nước công bố đảm bảo “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Tuy nhiên,
cả nước vẫn còn trên 1.000 trường chưa công bố đảm bảo “3 đủ” và sẽ được
khắc phục trong năm học 2013-2014.
|
Năm học 2012-2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tham mưu với
Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo
theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa rõ nét. Điểm sáng của năm học này
được xã hội ghi nhận là ngành giáo dục đã chấn chỉnh cơ bản tình trạng
lộn xộn, mất kỷ cương trong các kỳ thi quốc gia, thông qua các hoạt động
thanh tra, kiểm tra rộng khắp và có thực chất. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn nhìn nhận và khẳng định sẽ giải
quyết triệt để bệnh thành tích, từ đó khắc phục những tiêu cực trong
toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.
Xu hướng tích cực của năm 2012-2013 là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân
cấp mạnh và toàn diện cho địa phương và cơ sở giáo dục được các địa
phương đánh giá cao. Đổi mới công tác thi, kiểm tra và đánh giá, công
tác ra đề thi và chấm bài thi tốt nghiệp THPT, THCS nhận được sự đồng
thuận của xã hội.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD và ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn đề nghị cần quan
tâm về công tác quy hoạch cán bộ, đầu tư bồi dưỡng với các thầy cô
trong vùng quy hoạch. Về nội dung chương trình đổi mới phát triển toàn
diện học sinh, cần có ngôn ngữ địa phương, theo đặc thù của từng địa
phương, trong sách giáo khoa.
Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang đề xuất
đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý dạy và học. Cụ thể, từ
tháng 9/2010, Sở GD và ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa phần mềm e-Office –
Văn phòng điện tử vào vận hành. Đây là điểm mới vượt trội ở một địa
phương được nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng cần nhân rộng nhằm
đem lại nhiều hiệu ứng tích cực phục vụ giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, những kết
quả, thành tựu đạt được của năm học vừa qua là sự tích lũy của một quá
trình, từ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào
tạo đến sự chia sẻ, ủng hộ của lãnh đạo các địa phương.
Về việc sáp nhật các Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường
xuyên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng các Sở GD và ĐT cần chuẩn bị tinh
thần cho việc sáp nhập trên cơ sở trung tâm nào mạnh thì làm nòng cốt
để sáp nhập, không kể đó là trung tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị các Giám
đốc Sở GD và ĐT quyết tâm triển khai công việc theo hướng: đặt lên cao
nhất là sự được-mất của người học, của nhân dân về chất lượng giáo dục.
Về quy định mang thiết bị ghi hình vào phòng thi, đến nay đã cho thấy
đây là hướng đi đúng. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ, có
những clip quay lại gian lận thi cử, mức độ nghiêm trọng không kém vụ
Đồi Ngô nhưng ngành Giáo dục đã giải quyết triệt để, nghiêm khắc, được
xã hội đồng tình, ủng hộ.
Trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt
nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm
chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử.
Niên khoá 2013-2014: Làm rõ lộ trình phổ cập mầm non
Năm học 2013-2014 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định tiếp tục đổi
mới toàn diện cơ bản giáo dục đào tạo, tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm
vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý;
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ
chế tài chính giáo dục.
Theo đó, sẽ tập trung chỉ đạo, phấn đấu thực hiện đúng lộ trình đạt
chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; củng cố, mở rộng quy
mô, mạng lưới và loại hình các cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình
hình thực tiễn địa phương...
Với giáo dục phổ thông, tiếp tục rà soát, đánh giá thường xuyên
chương trình, SGK; tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới
phương pháp dạy học; hướng dẫn và thu hút nhiều học sinh THPT nghiên
cứu, sáng tạo KH-CN; mở rộng diện học sinh được học 2 buổi/ngày…
Về giáo dục chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện mở rộng quy mô; đa dạng
hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, các hệ đào tạo và
các loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh
giá cao chuyển biến rõ rệt trong công tác thi cử; công tác chuẩn hóa
giáo viên; đổi mới công tác ra đề thi theo hướng mở trong các kỳ thi
quốc gia nhằm khuyến khích việc học sinh phải trau dồi, tích lũy kiến
thức nền tảng, triệt tiêu tình trạng học tủ, học vẹt, thiếu sáng tạo.
Quyết tâm này của Ngành Giáo dục sẽ tạo tiền đề quan trọng để nâng cao
chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục trong thời gian tới cần tập
trung vào các nội dung: chuẩn hóa quản lý; chuẩn hóa cơ sở vật chất; đổi
mới phương pháp dạy học; có phương pháp kết quả học tập đúng, phù hợp,
khuyến khích học sinh sáng tạo; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp; tiếp tục
chuẩn hóa giáo viên, không chỉ về trình độ chuyên môn mà cả đạo đức;
gắn kết giữa sử dụng và đào tạo trong các trường sư phạm... Ngành giáo
dục cần tạo thêm nhiều kênh giáo dục nhân cách trong bối cảnh bùng nổ
các kênh thông tin, nhất là qua mạng Internet.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, trong năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục
và Đào tạo cần tập trung thực hiện thật tốt 2 yêu cầu: nâng cao tỷ lệ
học sinh khá giỏi và làm rõ lộ trình phổ cập mầm non 5 tuổi; đồng thời
tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm
thu như đã làm tốt trong năm học vừa qua.
Chiều nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ
có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và Thường trực UBND
tỉnh Lâm Đồng để nghe và cho ý kiến về một số vấn đề KT-XH của địa
phương./.
Từ Lương (VGP)