Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, sự việc xảy ra ngày 4/5 vừa qua trên tàu đánh cá Đài Loan Balena lúc đó đang đánh cá ở ngoài khơi Nam Phi.
Do không chịu được cường độ làm việc quá sức (làm việc trung bình 15, 16 tiếng/ngày, có ngày lên tới 20 tiếng) và thường xuyên bị đốc công đánh đập dã man, 10 trong số 16 thuyền viên Việt Nam có mặt trên tàu phản ứng lại, bắt trói người đốc công thường xuyên đánh đập họ và ra lệnh cho thuyền trưởng phải đưa tàu trở lại Cape Town để họ có thể về nước.
Phía Đài Loan đã thông báo cho cảnh sát Nam Phi. Sáng sớm ngày 5/5 cảnh sát đặc nhiệm Nam Phi đã lên tàu Balena mà không gặp bất cứ sự chống cự nào. Cảnh sát đã giải phóng thuyền trưởng và đốc công đồng thời bắt giam 10 thuyền viên Việt Nam vì tội “cướp biển” và “bắt cóc”. Ngày 7/5 tòa án thành phố Cape Town đã mở phiên tòa đầu tiên về vụ này.
Ngay sau khi biết tin, trong một tháng rưỡi sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã chủ động đến thăm lãnh sự các thuyền viên Việt Nam và gặp gỡ cảnh sát điều tra, luật sư và cơ quan tố tụng Nam Phi.
Tại các cuộc gặp này, đại diện Đại sứ quán đã khẳng định rõ: không thể truy tố 10 thuyền viên Việt Nam với tội danh “cướp biển” hoặc “bắt cóc” vì hành động của họ chỉ là tự vệ khi bị bắt buộc làm việc quá sức và bị đánh đập dã man, họ không đòi tiền chuộc, cũng không có hành động chống đối nhà cầm quyền Nam Phi mà chỉ đòi chấm dứt hợp đồng lao động và về nước.
Tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng đã gặp Đại sứ Nam Phi yêu cầu Nam Phi có những biện pháp tích cực để giúp đỡ những thuyền viên này.
Tòa án đã xử trắng án và trả tự do cho các thuyền viên Việt Nam. Đại diện chủ tàu Đài Loan đã mua vé để các thuyền viên này có thể lên đường về nước vào lúc 18 giờ 55’ chiều hôm nay (20/6). Dự kiến các thuyền viên sẽ về đến Hà Nội ngày 22/6 trên chuyến bay 0830 của Hàng không Việt Nam từ Bangkok./.
(Theo VietNamNet)