Có thể nói, xung kích, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác; là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ hôm nay vững bước cùng dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tình nguyện đã trở thành một phẩm chất đặc trưng, nổi bật của tuổi trẻ nói chung, của thanh niên nói riêng. Tình nguyện là phẩm chất, giá trị tốt đẹp được thể hiện và chia sẻ trên cả thế giới. Phong trào tình nguyện đã và đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với điều kiện lịch sử, địa lý và xã hội riêng có, phong trào tình nguyện ở Việt Nam có những đặc trưng khác biệt. Đặc biệt, đối với nước ta, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất đặc trưng, nổi bật của tuổi trẻ nói chung, của thanh niên nói riêng. Trong những thời điểm lịch sử đặc biệt, vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên luôn thể hiện rõ nét.
Trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, lớp lớp thanh niên với khao khát tự do, được thức tỉnh bởi lý tưởng của Đảng, dưới ngọn cờ của tổ chức Đoàn đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, hàng triệu thanh niên đã trích máu mình viết thư tình nguyện lên đường giết giặc, lập nên những kỳ tích vẻ vang, cùng với toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối. Trong hòa bình, lớp lớp thanh niên, với trái tim cháy bỏng nhiệt huyết, với bàn tay, khối óc và tinh thần tình nguyện đã hăng hái đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến với các công trình lớn của đất nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, xung kích, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác; là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ hôm nay vững bước cùng dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiếp nối tinh thần của phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” thời kháng chiến, năm 2000, Trung ương Đoàn đã chính thức phát động trong thanh niên cả nước phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Từ đó đến nay, phong trào đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút hàng chục triệu bạn trẻ tham gia, có sức sống lâu bền trong thanh niên, tạo được dấu ấn đậm nét với xã hội. Thông qua đó, thanh niên đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Thông qua phong trào, các bạn trẻ có điều kiện để được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Để ghi nhận những cống hiến của tuổi trẻ, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, trong dấu mốc kỷ niệm 15 năm phong trào “Thanh niên tình nguyện” và 50 năm phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định chọn năm 2014 là “Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây vừa là vinh dự, tự hào của tuổi trẻ, vừa là trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao trọng trách cho thanh niên.
Để triển khai thắng lợi Năm Thanh niên tình nguyện 2014, các hoạt động phải bảo đảm tính rộng khắp. Các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc cần căn cứ theo Đề án và phân bổ chỉ tiêu của Trung ương Đoàn để chỉ đạo các cấp bộ đoàn đăng ký chỉ tiêu, hoạt động cụ thể, bảo đảm mỗi đoàn cơ sở có ít nhất một hoạt động tình nguyện, một công trình, phần việc thanh niên tình nguyện trong năm. Các hoạt động tình nguyện phải huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; đồng thời tạo được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân và cộng đồng xã hội. Các hoạt động trong Năm Thanh niên tình nguyện phải bảo đảm tính định hướng. Các cấp bộ đoàn cần tập trung giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị và các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, vì cộng đồng. Bên cạnh mục tiêu chung của cả nước, cần bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệm vụ chính trị của đơn vị để tổ chức triển khai phong trào, hoạt động phù hợp. Đồng thời, cần nhận thức rõ mục tiêu của phong trào phải nhằm tạo môi trường thực tiễn sinh động để tuổi trẻ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Thông qua tổ chức phong trào để đoàn kết, tập hợp rộng rãi thanh niên, từ đó phát triển và nâng cao chất lượng tổ chức đoàn, hội.
Một điều hết sức quan trọng, các hoạt động trong Năm Thanh niên tình nguyện phải bảo đảm tính dẫn dắt. Tổ chức đoàn các cấp cần thắp lên ngọn lửa tình nguyện trong mỗi đoàn viên, thanh niên; đồng thời, thông qua hoạt động tình nguyện khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của cộng đồng; từ đó lan tỏa, lôi cuốn các lực lượng xã hội khác cùng tham gia. Cùng với đó, các cấp bộ đoàn cần tập trung tập hợp, hỗ trợ, định hướng hoạt động của các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tình nguyện tự phát, kết nối nhu cầu tình nguyện của thanh niên trên mạng internet, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Phải làm sao để phong trào tình nguyện do đoàn tổ chức giữ vị trí trung tâm, dẫn dắt, định hướng các hoạt động tình nguyện trong xã hội, huy động đông đảo lực lượng và nguồn lực xã hội cùng tham gia với tổ chức đoàn.
Và, điều quan trọng hơn cả, các hoạt động trong Năm Thanh niên tình nguyện phải bảo đảm tính thiết thực. Tinh thần của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X là “hành động”. Cần nhận thức và cụ thể hóa tinh thần ấy trong từng hoạt động, từng sự kiện. Tính thiết thực cần được thể hiện từ cách xây dựng chương trình công tác, thiết kế các hoạt động, sự kiện, tổ chức thực hiện đến cách tổng kết, đánh giá. Các hoạt động của đoàn cần tập trung cho cơ sở, hướng đến thanh niên, bảo đảm hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Kết quả công tác của từng cấp bộ đoàn phải được thể hiện bằng những sản phẩm cụ thể, được đo lường bằng nhận định của cấp ủy, chính quyền, thanh niên và toàn xã hội. Song song đó, các hoạt động trong Năm Thanh niên tình nguyện phải bảo đảm tính bền vững. Điều đó được thể hiện trong việc kế thừa, duy trì và phát huy những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của tổ chức đoàn trong thời gian vừa qua, để tiếp tục cho một giai đoạn phát triển mới của phong trào. Bên cạnh đó, trong thiết kế và tổ chức hoạt động, cần tính toán đến hiệu quả lâu dài mà hoạt động đó đạt tới, quan tâm tới việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm cho địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện sau khi kết thúc hoạt động.
Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, thông qua các hoạt động sôi nổi, thiết thực của Năm Thanh niên tình nguyện, mỗi đoàn viên, thanh niên, mỗi cơ sở đoàn, hội sẽ biến ngọn lửa tình nguyện rực cháy trong trái tim mình thành những hành động, những việc làm sáng tạo, hiệu quả ngay nơi địa bàn mình sinh sống, học tập, công tác và đem đến những công trình đậm dấu ấn tri thức, sức mạnh, lòng nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc của tuổi trẻ Việt Nam./.
Nguyễn Đắc Vinh
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(Nguồn: QĐND)