(TG)-Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định tăng khá so với
năm 2013, song địa phương vẫn khó có thể đạt kế hoạch từ 67-70% năm
2014. Nguyên nhân là do tỷ lệ bao phủ đạt thấp ở các nhóm đối tượng là
học sinh, sinh viên, hộ gia đình và lao động trong các doanh nghiệp,
cùng với sự thiếu quan tâm của cấp chính quyền cơ sở đối với đề án bảo
hiểm y tế toàn dân.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định, đến 31/10/2014, số người tham gia bảo hiểm y tế của cả tỉnh là 1.145.319 người, đạt tỷ lệ bao phủ 62,19%, cao hơn nhiều so với mức hơn 40% năm 2013 nhưng vẫn chưa thể vươn tới mục tiêu từ 67-70% do UBND tỉnh đặt ra cho năm 2014. Để đạt kế hoạch, Nam Định phải tăng thêm khoảng 5% nữa , tương đương 9 vạn thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó đối với địa phương vì các đối tượng cần phát triển bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên, hộ gia đình (hộ nông-lâm ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình) và lao động trong các doanh nghiệp. Ngoài các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; đối tượng nghèo, cận nghèo; đối tượng thân nhân quân đội đều đạt tỷ lệ bao phủ 100%, tỷ lệ này ở các đối tượng học sinh, sinh viên, hộ gia đình và lao động trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt lần lượt 84,7%, 10,2% và 70,1%. Đặc biệt, toàn tỉnh còn 135 trong tổng số 229 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (hộ gia đình) đạt dưới 10%, trong đó có những xã đạt rất thấp như xã Nghĩa Thắng (huyện Nghĩa Hưng) chỉ đạt 0,96%; xã Việt Hùng (Trực Ninh) đạt 2,41%; xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) đạt 2,75%.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bao phủ thấp ở các đối tượng nêu trên, bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định cho rằng: Mặc dù địa phương đã rất cố gắng tuyên truyền, vận động, thậm trí còn hỗ trợ người dân một phần phí đóng bảo hiểm y tế nhưng kết quả vẫn không đạt theo kế hoạch. Vẫn còn doanh nghiệp ngoài quốc doanh không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động. Sự tuân thủ pháp luật của các đối tượng là hộ gia đình, học sinh, sinh viên còn thấp. Chính quyền và ngành giáo dục ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến đề án bảo hiểm y tế toàn dân. Một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ giỏi, chưa phát triển được các kỹ thuật cao, do đó người dân vẫn chưa mặn mà với bảo hiểm y tế. Hơn nữa, cuộc sống của hộ gia đình nông-lâm-ngư nghiệp còn khó khăn, chưa đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế dù phí mỗi thẻ chỉ ở mức 621.000 đồng.
Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định trong khi các đối tượng được ngân sách đóng bảo hiểm y tế đã tham gia 100% thì việc có đạt được tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc tham gia của các đối tượng học sinh, sinh viên, đối tượng tự nguyện là các hộ gia đình. Để làm được điều này, theo ông Dũng, cần phải có sự chỉ đạo, vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân; đưa vấn đề bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu thi đua của các đơn vị.
Việc phát triển bảo hiểm y tế là quan trọng và cần thiết nhưng để duy trì tỷ lệ bao phủ đạt được cũng là câu chuyện cần được quan tâm. Theo ông Dũng, trong 9 xã được công nhận nông thôn mới năm 2013 thì chỉ còn 3 xã duy trì được tỷ lệ trên 70% theo tiêu chí nông thôn mới, số còn lại đã tụt đáng kể, như xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) giảm xuống còn 58,9%; thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) còn 43,6%... Trong 10 huyện, thành phố của Nam Định chỉ có 3 đơn vị là đạt trên 67% theo kế hoạch, bao gồm thành phố Nam Định (69,5%), huyện Mỹ Lộc (67,1%), huyện Hải Hậu (68%).
Hải Hậu - một trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới của toàn quốc - là địa phương làm khá tốt về công tác phát triển bảo hiểm y tế. Với mục tiêu phải đạt 70% trở lên theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngay từ thời gian đầu các cấp ủy, chính quyền của Hải Hậu đã vào cuộc chỉ đạo sát sao. Ngoài các mức hỗ trợ chung của Trung ương, của tỉnh, Hải Hậu đã dành hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ phí bảo hiểm y tế cho người dân, theo đó huyện hỗ trợ 100 nghìn/thẻ; xã, thị trấn hỗ trợ 125 nghìn đồng/thẻ. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn Hải Hậu, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa huyện, đang ngày được nâng lên rõ nét, tạo sự tin tưởng trong nhân dân. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu đã được trang bị 3 máy chụp cắt lớp, hệ thống xét nghiệm hoàn chỉnh, 15 máy chạy thận nhân tạo. Đơn vị có khả năng làm được các kỹ thuật cao như xét nghiệm chẩn đoán ung thư sớm; kỹ thuật đẻ không đau; mổ nội soi tiêu hóa, ruột thừa.../.
Trần Quân