Tại buổi làm việc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc vận hành, quản lý, chi phí khám chữa bệnh,… khi công trình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (mới) đi vào hoạt động.
Ngày 28/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã làm việc với ngành y tế Đồng Nai về công trình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (mới). Tại buổi làm việc, WHO đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc vận hành, quản lý, chi phí khám chữa bệnh,… khi bệnh viện đi vào hoạt động.
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được xây dựng theo 2 giai đoạn. Hiện, giai đoạn 1 đã hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt thiết bị. Công trình gồm 2 tầng hầm, 14 tầng lầu và một sân đỗ trực thăng; quy mô 700 giường bệnh với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương. Giai đoạn 2 của bệnh viện được triển khai theo mô hình hợp tác công – tư (PPP), giai đoạn này được xây dựng trên diện tích sàn 70.000 m2 với 1 tầng hầm và 18 tầng lầu (700 giường bệnh), tổng vốn xây dựng 1.260 tỷ đồng.
Về vấn đề trên, ông Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai lý giải: Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, nhu cầu chăm sóc y tế của người dân rất lớn, việc xây dựng một bệnh viện với 1.400 giường bệnh là một yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, do là tổ hợp bệnh viện lớn nhất của cả nước và ngang tầm với nhiều bệnh viện lớn trong khu vực Đông Nam Á nên nhu cầu vốn lên đến trên 3.260 tỷ đồng, việc triển khai giai đoạn 2 theo hình thức PPP là nhằm giảm ngân sách đầu tư của Nhà nước.
Theo đánh giá của WHO, ở các nước đang phát triển, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là một trong những bệnh viện lớn nhất, với quy mô như trên, ngành y tế Đồng Nai tính toán như thế nào về chi phí hoạt động, bố trí nhân sự, giá viện phí cũng như khả năng chi trả của người dân khi đến đây khám chữa bệnh? Việc xây dựng bệnh viện thể hiện sự đầu tư lớn của địa phương cho cơ sở y tế tuyến tỉnh, nhưng ở các cơ sở y tế tuyến huyện, xã – nơi khám chữa bệnh ban đầu của người dân, Đồng Nai đầu tư như thế nào?
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: Riêng công trình giai đoạn 1, khi đi vào hoạt động, mỗi tháng chi phí điện, nước hết hơn 5 tỷ đồng, Nhà nước sẽ phải bù lỗ nhiều, do đó cần tới sự hợp tác công – tư để giảm chi phí. Ở Bệnh viện Đồng Nai (cũ), hiện giá phòng dịch vụ từ 300.000 đồng/ngày – 500.000/ngày nhưng cung chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu. Bệnh viện mới, phòng rộng, được trang bị hiện đại, giá chỉ tương đương bệnh viện cũ nên chắc chắn người dân sẽ tiếp nhận. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ở bệnh viện mới chỉ phải trả tiền cao hơn 20% so với quy định của Nhà nước. Bệnh viện Đồng Nai giai đoạn 2 (hình thức PPP) sẽ có bác sĩ cơ hữu (đây là những người có tay nghề cao, đã nghỉ hưu) và trên 200 điều dưỡng, ngoài ra, các bác sĩ ở bệnh viện công lập (giai đoạn 1) sẽ tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện hợp tác công – tư. Hiện bệnh viện đang xin tỉnh Đồng Nai hơn 20 tỷ đồng để tổ chức quản lý bệnh viện theo mô hình JCI (mô hình quản lý đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng).
Theo ông Huỳnh Minh Hoàn, thời gian qua, Đồng Nai đã xây mới trên 80% trạm y tế xã, phường; hầu hết các trạm y tế được trang bị các loại máy như: Siêu âm, xét nghiệm máu, đo điện tim,…; gần 100% số trạm y tế đã có bác sĩ. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được đầu tư xây dựng nhằm góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề khúc mắc của ngành y tế Đồng Nai là Nhà nước ta đã có quy định về xã hội hóa lĩnh vực y tế song với hình thức hợp tác công – tư thì chưa có quy định rõ ràng. Đồng Nai cần hành lang pháp lý để điều bác sĩ ở bệnh viện công sang khám, chữa bệnh tại bệnh viện tư; được giữ lại một phần thu nhập để trả lương cho bác sĩ, điều dưỡng.
Tại buổi làm việc, Ông Shin Young – soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho rằng, mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế rất mới ở Việt Nam, Đồng Nai là địa phương đi đầu. WHO mong rằng, Bộ Y tế cùng ngành y tế Đồng Nai sẽ nghiên cứu để khai thác hiệu quả Bệnh viện đa khoa Đồng Nai./.
TG