Thứ Ba, 26/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 8/7/2012 11:21'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, cân đối giữa giáo dục và dạy nghề

Công tác dạy nghề đã có sự chuyển biến. Ảnh: PQ

Công tác dạy nghề đã có sự chuyển biến. Ảnh: PQ

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ 2011- 2020. Cụ thể giai đoạn 2011-2015 cần phấn đấu đào tạo nghề cho 10 triệu người; tuyển mới, dạy nghề hơn 1,8 triệu người/năm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới dạy nghề về phù hợp với Chiến lược Phát triển KT-XH của cả nước, ngành, vùng, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành hệ thống dạy nghề có đủ năng lực đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Đảm bảo liên thông giữa giáo dục và dạy nghề

Mới đây, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực đã xem xét, thảo luận hai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Quốc gia cho rằng, các dự thảo chiến lược giáo dục - dạy nghề được các Bộ Giáo dục & Đào tạo, Lao động -Thương binh & Xã hội xây dựng khá công phu với sự tham gia góp ý của các cơ quan, địa phương, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước. Về cơ bản, các chiến lược đã tiếp nối phát triển Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm giai đoạn 2001-2010, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần định lượng, tiêu chuẩn hóa để định hướng, làm cơ sở cho việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa hội nhập quốc tế. Bảo đảm sự đồng bộ, gắn kết, liên thông giữa Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển dạy nghề. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, việc lựa chọn khâu đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục cần lưu ý tập trung hai khâu then chốt là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ, cơ bản công tác quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để bảo đảm thực hiện thành công việc đổi mới cơ bản, toàn diện giữa giáo dục đào tạo và dạy nghề.

Thực tiễn lĩnh vực giáo dục - dạy nghề trong nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu vẫn còn những bất cập cần được tập trung tháo gỡ. Đó là việc thay đổi tư duy của cả xã hội giữa đào tạo các bậc học phổ thông, đại học và đào tạo - dạy nghề, sớm bắt đầu từ việc phân luồng định hướng học nghề. Hiện tại, số lượng cử nhân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng sư phạm tăng mỗi năm, nhưng đội ngũ nhân lực qua đào tạo nghề để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH lại chưa đủ, nếu không nói là thiếu hụt trầm trọng. Điều này thể hiện ở một số nhóm ngành nghề mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, cơ khí, luyện kim… tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn xảy ra, nhưng chậm được khắc phục. Trao đổi về thực trạng này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội) ông Cao Văn Sâm thừa nhận, có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc qui hoạch hệ thống dự báo nguồn nhân lực giữa các tỉnh, thành, vùng - miền. Thậm chí, ngay cả dự báo mang tính chiến lược nguồn nhân lực của từng bộ ngành, địa phương cũng còn nặng về định tính thay cho định lượng cụ thể. Đây được coi là một trong bất cập lớn cản trở việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển dạy nghề của quốc gia, dù chúng ta đã có luật Dạy nghề từ năm 2006.

Hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Trong những năm gần đây, dạy nghề Việt Nam đã đăng cai và tham gia các hội thi tay nghề khu vực (Asean Skills) hoặc tham dự các hội thi tay nghề thế giới (World Skills). Hợp tác quốc tế về dạy nghề được mở rộng với hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế. Việc hội nhập, học hỏi đã giúp chúng ta có cái nhìn xác thực hơn về khả năng đào tạo - dạy nghề. Qua đó, điều chỉnh phù hợp xu hướng của thế giới và khu vực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân xác nhận. Đổi mới phương pháp đào tạo - dạy nghề đã được chú trọng, cơ sở vật chất thiết bị của các trường, cơ sở dạy nghề tiếp tục được nâng cấp, đầu tư mới từ ngân sách Nhà nước, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và vốn xã hội hóa...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội) Nguyễn Tiến Dũng, để đến năm 2020 dạy nghề đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quản lý nhà nước về dạy nghề. Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia, kiểm soát, đảo bảo chất lượng dạy nghề. Gắn việc kiểm định chất lượng dạy nghề, cùng với việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.Gắn kết dạy nghề với thị trường lao động, với sự tham gia vào cuộc từ các doanh nghiệp là ưu tiên trọng tâm của chiến lược dạy nghề đến năm 2015.


Bên cạnh đó, là việc đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy nghề về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và trình độ kỹ năng nghề; áp dụng chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên dạy nghề của các nước phát triển. Đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, dịch vụ, cho CNH-HĐH đất nước và cho chuyển đổi cơ cấu lao động. Việc tổ chức sàn giao dịch về đào tạo nghề ở ba vùng kinh tế trọng điểm giữa các bên liên quan: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học. Tiếp tục xây dựng bộ chương trình khung hệ cao đẳng, trung cấp nghề; thí điểm xây dựng ba chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn thế giới và năm chương trình theo tiêu chuẩn ASEAN; biên soạn giáo trình cho các nghề phổ biến và chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên bậc đại học - được coi là những bước đột phá lớn trong đào tạo dạy nghề những năm gần đây. Hội nhập quốc tế sâu, rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho dạy nghề tiếp cận những kiến thức mới, công nghệ mới, mô hình dạy nghề tiên tiến hiện đại, qua đó tạo ra cơ hội tiếp cận các nguồn lực bên ngoài cho phát triển dạy nghề.

Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Dạy nghề) ông Cao Quang Đại cho rằng, để có nguồn nhân lực có chất lượng, cần bắt đầu từ việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Hiện bên cạnh việc phát triển mạnh về số lượng, quy mô đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề như chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và giáo viên dạy nghề đã đang được chú trọng đầu tư, cải thiện. Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng hoàn thiện thêm 30 bộ chương trình khung trình độ trung cấp và cao đẳng nghề, nâng tổng số chương trình khung trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề được xây dựng lên 80 bộ. Bên cạnh đó, các giải pháp quản lý chất lượng dạy nghề cũng được tăng cường: thực hiện đăng ký hoạt động dạy nghề đối với các trường cao đẳng nghề, trường cao đẳng và đại học có tham gia dạy nghề; triển khai định kỳ kiểm định chất lượng dạy nghề các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các cơ sở dạy nghề thường xuyên. Tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 128 nghề thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, ngành theo quy trình được quy định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Hiện đã có 10 bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề thuộc lĩnh vực xây dựng được Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội thỏa thuận ban hành; 49 bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề do Bộ Công thương xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện để làm các thủ tục thỏa thuận ban hành.

Một số mục tiêu chiến lược dạy nghề 2015-2020

+ Đến năm 2015 có 190 trường cao đẳng nghề, trong đó có 26 trường chất lượng cao, 5 trường đạt chuẩn quốc tế.

+300 trường trung cấp nghề, 920 trung tâm dạy nghề thường xuyên.

+Đến năm 2020, cả nước có 230 trường cao đẳng nghề, trong đó có 40 trường đạt chất lượng cao, 10-12 trường đạt chuẩn quốc tế.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2015(hơn 23 triệu người), tỷ lệ 55% vào năm 2020( khoảng 34 triệu người).


Mới đây, tại Hội thảo “Nâng cao năng lực thiết lập hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tổ chức, PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học - dạy nghề cho rằng, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới, khu vực. Điều đó cho thấy việc thay đổi tư duy, cấu trúc hệ thống dạy nghề mang tính quyết định nguồn nhân lực của quốc gia. Đào tạo theo hướng cầu đã trở thành cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả đang và sẽ được thực hiện ở tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới - PGS.TS. Mạc Văn Tiến nhận định./.

Phạm Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất