Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 4/7/2012 22:27'(GMT+7)

Nghiên cứu cơ bản tạo “bước đệm” cho nghiên cứu ứng dụng

 

Phóng viên:Bà có thể cho biết những thành tựu tiêu biểu của VEF trong suốt gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN?

Lynne Mc. Namara:VEF chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003 theo Đạo luật Quỹ giáo dục Việt Nam của Quốc hội Hoa Kỳ. Trong gần 10 năm qua, ngoài việc thiết lập và thúc đẩy các hoạt động trao đổi giáo dục giữa hai nước, VEF còn đóng vai trò là cầu nối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thành tựu mà VEF mang lại trong những năm qua được đánh giá thông qua việc thiết lập các hoạt động trao đổi giáo dục dành cho công dân Việt Nam theo học các chương trình đào tạo sau đại học (ĐH) và phát triển chuyên môn tại các trường ĐH của Hoa Kỳ. Theo đó, VEF khuyến khích công dân Hoa Kỳ tham gia giảng dạy tại các trường ĐH tại Việt Nam. Những người tham gia chương trình của VEF là các Nghiên cứu sinh, thầy cô, học giả, GS Hoa Kỳ sang giảng dạy tại VN. Thành công của VEF nằm ở chính những hoạt động của họ đã đang và sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Ngoài ra, VEF còn có nhiều hoạt động cụ thể khác mang lại những hiệu ứng tích cực đối với hoạt động giáo dục tại Việt Nam, tiêu biểu là hoạt động phát triển hệ thống học liệu mở mà trước đây Việt Nam chưa có. Đây là hệ thống mà ở đó mọi người có thể chia sẻ các bài giảng, các tài liệu nghiên cứu,… Thực tế, nó đã được áp dụng khá rộng rãi và thành công tại các trường ĐH ở Hoa Kỳ. VEF cũng đã tham gia hỗ trợ VN phát triển mô hình này thông qua sự chuyển giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Bằng nỗ lực của mình, VEF muốn giới thiệu hệ thống học liệu mở của VN với hệ thống học liệu chung của thế giới, góp phần kết nối quá trình học tập, giao lưu, chia sẻ học liệu giữa Việt Nam với các nền giáo dục trong khu vực và toàn cầu.

Một trong những thành tựu nổi bật nữa đó là vào năm 2007, VEF đã xuất bản được 2 ấn phẩm rất nổi tiếng đó là cuốn "Những quan sát về giáo dục đại học trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện-điện tử-viễn thông và vật lý tại một số trường đại học Việt Nam" và cuốn "Những quan sát về hiện trạng giáo dục trong các ngành khoa học nông nghiệp tại Việt Nam". Hai ấn phẩm này tập trung vào hai ngành cụ thể. Ấn phẩm đầu tiên là về thực trạng đào tạo trong các ngành vật lý, khoa học máy tính và kỹ thuật, ấn phẩm thứ hai là thực trạng đào tạo trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Có thể nói đây là lần đầu tiên tại VN có một nghiên cứu được tiến hành một cách chuyên nghiệp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng với các quy trình cụ thể thông qua các điều tra được thu thập rất đầy đủ, khoa học. VEF tự hào là tổ chức đầu tiên tại VN giới thiệu nghiên cứu này.

Về hợp tác trao đổi trong lĩnh vực KH&CN, hai nước đã có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sau hiệp định hợp tác KH&CN đã được ký kết với Hoa Kỳ năm 2000. VEF chú trọng đầu tư nghiên cứu cho các hoạt động cụ thể thuộc các ngành như kỹ thuật, môi trường, y tế, công nghệ thông tin, viễn thông, vật lý, toán học,… Theo đó, VEF sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển KH&CN, từ việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học, tăng cường sự đầu tư của chính phủ cho các phòng thí nghiệm ở các trường đại học và phòng thí nghiệm cấp quốc gia...

Phóng viên: Lĩnh vực KH&CN luôn có sự thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Các tiêu chí hoạt động của VEF cũng cần có những thay đổi như thế nào để phù hợp với thời cuộc hiện nay, thưa bà?

Bà Lynne Mc. Namara: VEF rất nhạy bén với những sự thay đổi của xã hội, trong đó có sự phát triển của KH&CN, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học môi trường hay biến đổi khí hậu. Trong quá trình hoạt động, VEF cũng tích cực phối hợp trao đổi với các bộ, ngành như Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT,… lắng nghe tâm tư nguyện vọng, sự quan tâm của các cơ quan này, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ và đầu tư cho các lĩnh vực mà các bên cùng hướng tới. Trong quá trình trao đổi với các bộ, ban ngành hay các cơ quan khác của Việt Nam, chúng tôi cũng thấy rằng, mọi người rất quan tâm đến các nghiên cứu ứng dụng, các nghiên cứu có thể tạo ra sản phẩm ngay lập tức hoặc các nghiên cứu góp phần mang lại sự đổi mới, sự chuyển biến, đặc biệt có thể tạo ngay ra được sản phẩm KH&CN trên thị trường. Qua trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học của Hoa Kỳ, chúng tôi thấy rằng việc chú trọng vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản là cần thiết, đây là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nền móng cho nghiên cứu ứng dụng.

VEF cũng tìm cách thay đổi bằng cách đặt ra thêm các ưu tiên, ví dụ như những người theo học các ngành thuộc về KH&CN thì sẽ được ưu tiên hơn so với các chuyên ngành khác. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng luôn theo dõi, nghiên cứu sự phát triển và thay đổi trong lĩnh vực KH&CN tại Việt Nam, VEF luôn ủng hộ và hỗ trợ những ứng viên cho với các chương trình nghiên cứu không chỉ một ngành mà đa ngành nhằm đáp ứng những thay đổi trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Phóng viên: Hiện nay, thông tin về sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực KH&CN, giáo dục đào tạo còn hạn chế. Được biết, VEF đang xúc tiến xây dựng một Website nhằm tạo cầu nối thông tin giữa hai nước. Lí do ra đời và thời điểm hoạt động chính thức của website sẽ diễn ra khi nào thưa bà?

Bà Lynne Mc. Namara:Rất nhiều hoạt động và chương trình giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang được tiến hành không chỉ về GD&ĐT, KH&CN mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thông tin về những hoạt động này còn rất ít và hạn chế do chưa có một kênh thông tin chính thức nào. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã hình thành ý tưởng xây dựng một Website mà ở đó có thể chứa đựng chi tiết thông tin về các trường đại học, thông tin hợp tác, nghiên cứu khoa học giữa hai nước đã và đang sẽ diễn ra, thông tin về các chuyên gia, học giả đã được đào tạo tại Hoa Kỳ, những giáo sư hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam… Qua đó, bất kỳ ai quan tâm cũng có thể khai thác, tìm hiểu, trao đổi và sử dụng các nguồn dữ liệu trên để phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành phát triển Website trên với sự cộng tác và giúp đỡ tích cực từ Đại sứ quán Hoa Kỳ nhằm đẩy nhanh quá trình hòan thiện và sớm cho ra mắt Website. Bên cạnh đó, VEF cũng đã đề nghị sự giúp đỡ của Bộ KH&CN trong việc cung cấp thông tin và kinh nghiệm xây dựng trang Website. Dự kiến trang thông tin trên sẽ chính thức hoạt động vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9/2012.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Ngũ Hiệp (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất