Dư luận xã hội (DLXH) là tập hợp các luồng ý kiến thể hiện thái độ của công chúng trước các vấn đề, sự kiện có liên quan đến lợi ích và các mối quan tâm của họ; là một trong những hình thức thể hiện tâm tư, ý chí và nguyện vọng của người dân.
Ở các quốc gia phát triển, từ lâu các chính khách, các tổ chức chính trị, xã hội đã coi các kết quả nghiên cứu DLXH là một trong những căn cứ quan trọng trong việc ban hành và bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách. Ở Việt Nam, ngay từ đầu thập niên 1980, Đảng ta đã thấy được sự cần thiết của công tác nghiên cứu DLXH. Hoạt động nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH đã chính thức được thực hiện kể từ năm 1982, khi Ban Bí thư có quyết định thành lập Viện Dư luận xã hội (nay là Viện Nghiên cứu dư luận xã hội) trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).
Trong những năm qua, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII có nêu nhiệm vụ: “Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều tra dư luận xã hội”(1); Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII yêu cầu: “Tổ chức điều tra dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước(2); Nghị quyết Trung ương 5, khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, tiếp tục nhấn mạnh “Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng”(3). Gần đây nhất, vào ngày 18-8-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI đã ra Kết luận số 100-KL/TW về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH, trong đó nêu rõ: “Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Có thể hiểu một cách khái quát, điều tra DLXH là hình thức nắm thông tin DLXH bằng phương pháp điều tra xã hội học. Phương pháp này tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu có tính khoa học. Hiện nay, hình thức phổ biến là điều tra thông qua phát phiếu hỏi cho các đối tượng được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hoặc có chủ định. Nắm bắt DLXH là hình thức tập hợp thông tin DLXH không thông qua phương pháp điều tra xã hội học. Hình thức nắm bắt DLXH rất đa dạng, bao gồm: Nắm bắt thông tin qua mạng lưới cộng tác viên; qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các văn kiện, văn bản pháp luật... Nghiên cứu DLXH là những nghiên cứu lý luận và thực tiễn về DLXH.
Trong những năm qua, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH từng bước đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nhiều báo cáo nhanh của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và của các phòng (đầu mối) nghiên cứu DLXH ở các ngành, các địa phương đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh nhanh, kịp thời, trung thực, đầy đủ các luồng DLXH trước các sự kiện, hiện tượng, vấn đề kinh tế, chính trị... Đặc biệt là các báo cáo nhanh đó đã phản ánh kịp thời những bức xúc của người dân, góp phần quan trọng giúp các cấp uỷ đảng và chính quyền sớm đưa ra được các chủ trương, quyết sách sát thực, phù hợp lòng dân, nhất là trong việc giải quyết, xử lý các “điểm nóng”. Đó cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan lãnh đạo đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng DLXH, giải quyết một số vấn đề DLXH quan tâm, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều cuộc điều tra thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; mang lại những thông tin có giá trị, đáng tin cậy, giúp các cấp ủy đảng nắm sâu thực trạng, nguyên nhân những vấn đề tư tưởng trong nhân dân, có căn cứ khoa học chuẩn bị cho việc ban hành chủ trương, chính sách và đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách.
Tuy vậy, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH cũng còn có những hạn chế, bất cập, cụ thể là:
Trong những năm gần đây, một số báo cáo nhanh của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và các phòng, các đầu mối làm công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH của ban tuyên giáo các địa phương còn thiếu kịp thời, đôi khi còn hạn chế trong phân tích và đề xuất, kiến nghị việc định hướng DLXH.
Cách tiến hành điều tra DLXH có lúc, có nơi còn chưa thực sự khoa học, thiếu bề rộng và chiều sâu cần thiết, thể hiện ở các khâu chọn vấn đề điều tra, xây dựng phiếu câu hỏi điều tra, chọn mẫu điều tra, tập huấn điều tra viên, triển khai trên thực địa, nhập dữ liệu và phân tích số liệu, viết báo cáo điều tra. Do đó, chất lượng thông tin thu được đôi khi còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng dự báo tình hình cũng như các đề xuất, kiến nghị.
Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, một số cấp ủy đảng nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận của các tầng lớp nhân dân trong công tác lãnh đạo, quản lý. Do đó, chưa quan tâm đến việc xây dựng thiết chế và phân công cán bộ làm công tác này. Cho đến nay, chưa có một quy định chung, có tính chỉ đạo, làm cơ sở pháp lý cho toàn hệ thống chính trị về công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH.
Thứ hai, trong thời đại bùng nổ thông tin, đa dạng, nhiều chiều và trong cơ chế kinh tế thị trường với sự phân hóa lớn về lợi ích giữa các tầng lớp, nhóm xã hội như hiện nay, quan điểm, thái độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với mọi vấn đề của đời sống xã hội thường rất đa dạng, phức tạp, thậm chí trái ngược nhau, đồng thời dễ biến đổi. Điều đó khiến cho việc nắm bắt DLXH, tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trở nên rất khó khăn.
Thứ ba, một số cơ quan có trách nhiệm soạn thảo, ban hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc điều tra DLXH, tập hợp ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân để tham khảo; công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ tư, bộ máy tổ chức, cán bộ, cơ chế, điều kiện, phương thức hoạt động của các cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ, có chức năng nắm bắt, điều tra DLXH như Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và các phòng, bộ phận làm công tác này ở ban tuyên giáo các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương cũng như các tỉnh uỷ, thành uỷ còn nhiều bất cập. Tình trạng rõ nhất là thiếu cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa có cơ chế để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; kinh phí điều tra DLXH, tập hợp ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân không đủ hoặc không kịp thời để thực hiện nhiệm vụ; cách thức tổ chức mạng lưới cộng tác viên nắm bắt DLXH chưa khoa học, thiếu tính đại diện.
Chính vì vậy, trong Kết luận 100 KL/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Theo đó, công tác này phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, trong thời gian tới công tác tuyên giáo cần phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, nâng cao năng lực tham mưu cho cấp uỷ trong việc nắm bắt, nghiên cứu DLXH; phản ánh và dự báo đúng và trúng tình hình tâm trạng, tư tưởng và DLXH của các tầng lớp nhân dân.
Hai là, đổi mới quy trình, phương pháp, cách thức tổ chức, lựa chọn nội dung điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết trong chọn vấn đề điều tra; hình thức điều tra; diện điều tra; xây dựng phiếu câu hỏi điều tra; chọn mẫu (đối tượng) điều tra; tập huấn điều tra viên; triển khai trên thực địa; nhập dữ liệu, xử lý và phân tích số liệu; viết báo cáo. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác này.
Báo cáo nhanh về DLXH phải phản ánh khách quan, trung thực, kịp thời ý kiến của các tầng lớp nhân dân; phân tích, chỉ ra căn cứ của các luồng ý kiến dư luận, trên cơ sở đó, đưa ra những dự báo, đề xuất các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận.
Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và các phòng, các bộ phận nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH của các tỉnh ủy, thành ủy, hằng năm cần có các báo cáo chuyên đề nghiên cứu sâu về tình hình DLXH trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là những lĩnh vực quan trọng, thường nảy sinh các vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Ba là, kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và các phòng, bộ phận làm công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương là đầu mối, chủ động chủ trì, kết nối và tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm, trao đổi khoa học về các vấn đề lý luận, phương pháp, kinh nghiệm nghiên cứu, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội giữa các các tổ chức và cơ quan làm công tác này ở trong nước. Đẩy mạnh việc biên soạn, xuất bản các sách, tài liệu nghiệp vụ chuyên sâu về công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế hình thành DLXH để tham mưu cho các cấp ủy đảng cách thức định hướng DLXH có hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các viện/tổ chức nghiên cứu DLXH có uy tín trên thế giới về công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH.
Rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ chức, bộ phận nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH ở các địa phương; tăng cường cho các tổ chức, bộ phận này những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về xã hội học hoặc tâm lý học. Người đứng đầu các tổ chức, đầu mối điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH cần có chuyên môn và năng lực phù hợp.
Tăng cường cộng tác, phối hợp giữa các tổ chức, đầu mối điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH trong ngành tuyên giáo với các cơ quan nghiên cứu khoa học có chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, điều tra DLXH (Viện Xã hội học và Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Xã hội học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...).
Đổi mới cách thức tổ chức và duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, có đại diện của nhiều giai tầng xã hội trên địa bàn; khắc phục tình trạng trong mạng lưới cộng tác viên, thành phần cán bộ nghỉ hưu chiếm tỷ lệ cao, các thành phần khác thấp hoặc thiếu, coi trọng cộng tác viên trong nông dân, công nhân, thanh niên, sinh viên, trí thức. Hằng năm, tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên, bảo đảm chất lượng, sự hợp lý về cơ cấu; kịp thời động viên, khen thưởng những cộng tác viên có nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt và phản ánh DLXH. Chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên.
Bốn là, bảo đảm từng bước quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động hợp lý cho các tổ chức, đầu mối nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH. Có chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên nắm bắt DLXH như đối với báo cáo viên.
Năm là, theo tinh thần Kết luận 100 KL/TW của Ban Bí thư, trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan về tổ chức bộ máy làm công tác DLXH trong hệ thống tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương, hệ thống tuyên giáo các cấp cần tham mưu cho cấp uỷ sớm triển khai thực hiện.
Có thể nói, việc thực hiện Kết luận 100 KT/TW ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH có đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp về tầm quan trọng của công tác này; vào trách nhiệm và sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị để khắc phục những mặt hạn chế đã nêu trên và đầu tư một cách hợp lý, có hiệu quả cho công tác này.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Sự thật, H, 1992, tr.40-41.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, tr.32.
(3) Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí.
Lâm Phương Thanh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương