Những năm gần đây, số lượng đảng viên mới là CNLĐ tăng lên đáng kể, từng bước khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp chưa có đảng viên. Tuy nhiên, tỷ lệ CNLĐ được kết nạp Đảng hàng năm trong tổng số đảng viên mới được kết nạp còn thấp, chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước. Số CNLĐ được kết nạp Đảng ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít. Số doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập được chi bộ đảng không nhiều, trong khi đó, số lượng CNLĐ ở khối các doanh nghiệp này tăng rất nhanh, có nhiều đặc điểm khác về cơ cấu, xuất thân, tác phong, lối sống, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và bộc lộ nhiều điểm rất đáng suy nghĩ so với công nhân trong doanh nghiệp nhà nước.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi có Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến nay, cả nước đã kết nạp được 360 ngàn đảng viên là đoàn viên công đoàn, trong đó công nhân sản xuất trực tiếp chiếm 8%. Năm 2014, cả nước kết nạp được 51 ngàn đảng viên là đoàn viên công đoàn, trong đó công nhân sản xuất trực tiếp cũng chỉ chiếm 8%.
Tốc độ phát triển đảng viên công nhân và chi bộ đảng trong doanh nghiệp ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tuy chưa phản ánh đúng đòi hỏi của công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nhưng đã thể hiện sự cố gắng lớn của các đảng bộ khối doanh nghiệp. Năm 2014, Đà Nẵng thành lập được 18 tổ chức cơ sở đảng và phát triển 251 đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; thanh Hóa kết nạp được 356 đảng viên mới là công nhân, trong đó 231 đảng viên trong các doanh nghiệp nhà nước, 125 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; Đồng Nai 16/31 khu công nghiệp tập trung có tổ chức đảng với 82 tổ chức cơ sở đảng và trên 4 nghìn đảng viên; 61 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với 2.700 đảng viên.…
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần quan trọng vào công tác phát triển đảng trong công nhân. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, bắt nguồn từ nhiểu nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự chậm đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; sự yếu kém và thiếu chuyên nghiệp của cán bộ cơ sở; những điều kiện bảo đảm về pháp lý, về cơ sở vật chất … chưa thực sự tác động đến tư tưởng, niềm tin, tình cảm của CNLĐ, chưa làm thay đổi được nhận thức, thái độ, hành vi của họ về việc phấn đấu vào Đảng. Phần lớn CNLĐ chưa thấy được vinh quang, trách nhiệm và quyền lợi khi họ là đảng viên để có động cơ phấn đấu vào Đảng.
Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo động cơ phấn đấu vào Đảng cho công nhân lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cần nghiên cứu từ các nôi dung sau:
Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức về trách nhiệm và hoạt động chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ. Các cấp ủy cần thấm nhuần sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân nói chung và công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cho công nhân nói riêng. Khắc phục tình trạng một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chỉ chú trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc nếu triển khai nhiệm vụ trên thì cũng sơ sài, hình thức; công tác kiểm tra, đôn đốc chiếu lệ hoặc khoán trắng cho công đoàn.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ. Cụ thể hóa nhiệm vụ lãnh đạo thông qua một số nội dung như: Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; tạo cơ chế và bố trí một khoản ngân sách cần thiết để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân hoạt động; có quan điểm bồi dưỡng, sử dụng đảng viên ưu tú là CNLĐ vào các vị trí chủ chốt. Cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ, cấp ủy cấp trên phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp ủy trong doanh nghiệp; định kỳ tổng kết rút kinh nghiệm về phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Hàng năm tổ chức gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác đảng; khen thưởng, biểu dương các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, các đảng viên ưu tú trong doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm cho chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiểu được lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp; từ đó đồng tình và ủng hộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân nói chung và về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân nói riêng. Những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân, trong đó có nhiệm vụ công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ như: Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước Kết luận 79-KL/TW ngay 25/12/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có những văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân, công tác phát triển đảng trong công nhân với kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận này chưa được quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Qua sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, nhiều nội dung của nghị quyết, chị thị, kết luận chưa được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai, chậm cụ thể hóa thành chương trình hành động. Nguồn lực Nhà nước, địa phương, xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho giai cấp công nhân còn rất hạn chế. Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân còn bất cập. Việc kiểm tra đôn đốc thực hiện chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Hai là, bổ sung cơ sở pháp lý bảo đảm cho công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân được tiến hành có hiệu quả, hiệu lực. Nhà nước cần quy định trong luật điều khoản cụ thể về việc chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có trách nhiệm bảo đảm quyền học tập và quyền được thông tin của CNLĐ. Các địa phương cần xây dựng các quy định cụ thể ngay từ khi phê duyệt dự án cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn về trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp, bảo đảm những điều kiện về đời sống vật chất, tinh thần của công nhân như nhà ở, bệnh xá, câu lạc bộ, nhà văn hóa, sân bãi thể thao ... Việc đưa thành điều khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp là giải pháp cần thiết có tính pháp lý để các chủ doanh nghiệp thực hiện, gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ của họ; đồng thời cần phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành của chủ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Nếu có những cơ sở pháp lý đó, sẽ khắc phục tình trạng hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân không cho thành lập tổ chức đảng, hoặc không tạo điều kiện về thời gian và địa điểm để tổ chức các sinh hoạt đảng, đoàn thể với lý do “luật không quy định” nên không làm. Nhiều cuộc tuyên truyền, giáo dục trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tổ chức vào buổi trưa khi giao ca, thời gian chỉ khoảng 30 phút nên kết quả rất hạn chế.
Xem xét nghiên cứu bổ sung quy định về sử dụng công nhân trong độ tuổi lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ trưng dụng lao động đến 35 tuổi. Xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp không tôn trọng công nhân, hành xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Công nhân làm việc trong tâm trạng bấp bênh, không gắn bó với doanh nghiệp, không tuân thủ pháp luật, kỷ luật lao động, không làm đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với doanh nghiệp, nhà nước, nhấp nhổm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về lao động giữa các doanh nghiệp cũng diễn ra rất khốc liệt. Những công nhân có tay nghề cao thường “nhảy việc”, sẵn sàng đến với doanh nghiệp khác trả lương cao hơn. Năm 2014, tỷ lệ di chuyển lao động giữa các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp từ 20-40%.
Tình trạng trên đã tác động vào tư tưởng CNLĐ, làm cho họ không muốn tham gia vào các tổ chức đoàn thể, không muốn phấn đấu vào Đảng vì sợ bị ràng buộc khi muốn thay đổi nơi làm việc. Có phương án giải quyết khó khăn khi thực hiện quy định về hình thức xác minh lý lịch, phân công người giúp đỡ, hướng dẫn đối tượng kết nạp Đảng cho phù hợp với đặc thù ở doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khắc phục tình trạng có một số công nhân trẻ nhiệt tình phấn đấu nhưng không đủ điều kiện về trình độ học vấn như quy định của Điều lệ Đảng.
Bảo đảm điều kiện về kinh phí để công tác tuyên truyền giáo dục chính trị cho CNLĐ hoạt động. Nhà nước, các cấp, ngành cần đưa vào chương trình hành động, kế hoạch công tác hàng năm quy định về danh một khoản kinh phí trong ngân sách thường xuyên cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân, như: kinh phí hoạt động; kinh phí biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền; mua sắm các phương tiện, trang thiết bị cần thiết như máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, điện thoại di động… nhằm giúp cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến công nhân được phong phú, hấp dẫn, kịp thời; đồng thời chú ý huy động các nguồn lực xã hội hóa và nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp không có các thiết chế văn hóa cho công nhân, hoặc các thiết chế đó bị xuống cấp, không được đầu tư kinh phí hoạt động đang hạn chế rất nhiều đến chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân. Năm 2014, cả nước mới có 27 nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, hơn 20 nhà văn hóa cấp huyện, trên 100 nhà văn hóa CNLĐ trong các doanh nghiệp với gần 2.000 đội văn nghệ quần chúng của CNLĐ.
Còn có tình trạng một số cấp ủy, chính quyền địa phương không xây dựng kế hoach, chương trình thực hiện các nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân. Nguồn lực đầu tư, nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ trong cơ cấu nguồn lực chung dành cho công nhân không nhiều. Phần lớn các đợt tuyên truyền, giáo dục cho công nhân đều phải lồng ghép vào các chương trình, đề án khác có kinh phí nên thời lượng eo hẹp, vấn đề truyền đạt chưa sâu, nội dung chưa phong phú và chưa có điều kiện để vươn tới từng đối tượng có tính đặc thù.
Ba là, kiện toàn bộ máy tổ chức; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về công nhân. Phát huy vai trò làm công tác tuyên truyền, giáo dục của bí thư và các đồng chí trong cấp ủy. Khảo sát thực trạng, điều kiện cụ thể của doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực, nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cán bộ cấp ủy trong doanh nghiệp; chú ý bồi dưỡng đảng viên trẻ, có năng lực tập hợp quần chúng để tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ công đoàn cơ sở. Khắc phục tình trạng cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục không am hiểu công tác đảng, về đời sống chính trị, thiếu kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, không am hiểu đặc điểm tâm lý công nhân.
Đẩy mạnh nghiên cứu về xã hội học, lịch sử, văn hóa, đặc điểm tâm lý, những biến động của công nhân nước ta trong tình hình mới làm cơ sở đổi mới nọi dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân.
Đội ngũ công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, có đầy đủ tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, có truyền thống của doanh nghiệp, có truyền thống gia đình, địa phương nên điều kiện để họ nâng cao nhận thức về chính trị, giác ngộ về giai cấp tương đối thuận lợi. Đội ngũ công nhân mới phát triển từ khi nước ta thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đang làm việc ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có các điều kiện thuận lợi trên và có những điểm rất đáng lưu ý cần được nghiên cứu để từ đó có những hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp.
Một số đặc điểm đáng lưu ý, đó là: Phần lớn số công nhân này đều xuất thân từ nông dân, ra đi từ các vùng nông thôn, trình độ văn hóa thấp, được chủ doanh nghiệp ký tuyển dụng vào làm việc là thành công nhân, hầu như không có kiến thức về chính trị và ý thức giác ngộ về giai cấp, về vai trò chủ nhân của đất nước; thiếu kỹ năng làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật. Họ còn mang rất nhiều đặc điểm của nông dân, như: tính tùy tiện, tâm lý an phận thủ thường, thiển cận. Công nhân phải làm việc trong điều kiện sản xuất công nghiệp, kỹ thuật cao; chịu áp lực về công việc, thời gian, cách ứng xử của chủ doanh nghiệp nước ngoài trong quan hệ lao động rất lớn. Tỷ lệ lao động nữ chiếm rất cao trong cơ cấu lao động chung của các doanh nghiệp này; do sức khỏe yếu, căng thẳng, mệt mỏi, hết giờ làm họ chỉ mong được nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Hầu hết công nhân không xem ti vi, không đọc báo, không quan tâm đến thời sự đất nước. Số công nhân có trình độ thấp bộc lộ tư tưởng ngại học tập, phấn đấu sợ mất thời gian, sợ ảnh hưởng đến thu nhập khá phổ biến. Rất nhiều công nhân trẻ khi được hỏi chỉ thể hiện mỗi ước mơ, nguyên vọng là được tăng tiền lương. Họ không nhận thấy mình đang bị lao động quá sức, không tự ái khi ở vị trí đi làm thuê cho nước ngoài và sẵn sàng tăng ca, làm thêm giờ để bảo đảm những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Đó là những đặc điểm của giai cấp công nhân thời kỳ sơ khai, tự phát. Số công nhân có trình độ cao không yên tâm công tác, vào doanh nghiệp chỉ tạm thời trong lúc chờ xin việc ở nơi khác. Về cư trú, công nhân trong các khu công nghiệp không ở tập trung mà rải rác thuê nhà trọ (đối với các công nhân có quê ở tỉnh xa) hoặc hết giờ làm về gia đình (với công nhân có quê tại địa phương); điều đó cũng khó khăn trở ngại cho công tác tiếp xúc công nhân, tập hợp, vận động, giáo dục, theo dõi, giúp đỡ họ và đó cũng là yếu tố làm một bộ phận dễ bị nhiễm tác động xấu của xã hội và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ nội dung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân theo hướng tăng tính thuyết phục và tính thiết thực. Đổi mới cách tiếp cận, đồng thời có liên hệ chặt chẽ với điều kiện hoàn cảnh, bối cảnh tình hình đất nước, tình hình thế giới khi truyền giảng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức về Đảng, truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc; vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; mối quan hệ giữa Đảng và giai cấp công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, về yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách phải xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH, để công nhân thấy được trách nhiệm lớn lao của họ trong dòng chảy của cách mạng của đất nước và dân tộc; nhận thức sâu sắc về vị thế và vai trò làm chủ đất nước trong hội nhập quốc tế.
Hướng dẫn công nhân thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể với tinh thần tự giác, tự nguyện và trách nhiệm cao, liên hệ chặt chẽ với việc rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong công nghiệp; trách nhiệm lao động; ý thức sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật; tuân thủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp khi giáo dục các nội dung về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; lòng biết ơn và sự trân trọng những thành quả cách mạng đang được hưởng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức của các anh hùng dân tộc, các chiến sĩ cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh; phấn đấu theo lý tưởng cộng sản và rèn luyện theo tiêu chuẩn để được đứng vào hàng ngũ của Đảng…
Chọn những vấn đề liên quan trực tiếp đến người công nhân, giúp họ thiết thực trong công việc và đời sống hàng ngày như: Cung cấp thông tin chính thống cho công nhân, để họ hiểu đúng, hiểu đủ về chủ trương, chính sách, pháp luật và quyền lợi của mình; cung cấp kỹ năng khi có tình hướng chính trị xảy ra để họ biết cách ứng xử phù hợp, đúng pháp luật; giúp họ nhận thức được lợi ích mà tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp đã mang lại; niềm vinh dự, nghĩa vụ và quyền lợi khi họ được đứng trong hàng ngũ của Đảng ….
Giáo dục nhân cách cho công nhân, giúp họ nhận biết những giá trị chân, thiện, mỹ, giá trị văn hóa, đạo đức, đạo lý của dân tộc; hình thành nhân cách con người mới XHCN; tăng sức đề kháng với văn hóa phẩm độc hại và những biểu hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với công nhân. Khắc phục tình trạng hiện nay, hoạt động tuyên truyền, giáo dục ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nặng về nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật, thỏa ước lao động mà chưa hướng tới việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, rèn luyện đạo đức lối sống cho công nhân; chưa hướng tới mục tiêu làm cho công nhân nhận thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Năm là, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân theo hướng đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn và thời điểm. Phát huy có hiệu quả lợi thế của từng loại hình tuyên truyền, như: tuyên truyền miệng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hội nghị, tập huấn; sách, ấn phẩm; nói chuyện thời sự, giao lưu - đối thoại; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, câu lạc bộ, tham quan di tích lịch sử, du lịch hướng về cội nguồn… Khắc phục hạn chế về ca kíp, quỹ thời gian, sử dụng linh hoạt các hình thức truyền thanh nội bộ, báo tường, phát tờ gấp tuyên truyền trực tiếp tại dây chuyền sản xuất, khu nhà trọ …
Tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận sách báo, tài liệu tuyên truyền. Từng bước đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng tài liệu tuyên truyền. Cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ công đoàn cơ sở. Giảm bớt thời gian học tập của các lớp tìm hiểu về Đảng cho phù hợp với điều kiện lao động sản xuất của công nhân.
Tổng kết và nhân rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục đem lại hiệu quả cao như: Tổ chức các hội diễn văn nghệ “công nhân hát” và “Hát cho công nhân nghe”; tổ chức “Giao lưu - Đối thoại” nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc; tổ chức tuyên truyền lồng ghép nội dung hoặc theo chuyên đề như chuyên đề hiến pháp, chuyên đề “biển - đảo”; phát triển các hình thức hoạt động tiếp cận trực tiếp công nhân để vận động, giáo dục như mô hình “Tổ công nhân tự quản”; hình thức đưa thông tin chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cho công nhân qua hình thức “Sim công nhân” …
Phát huy vai trò, sự năng động, sáng tạo của công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các doanh nghiệp trong việc đề ra các chương trình hành động, nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp nơi công tác. Khắc phục tình trạng hiện nay các đoàn thể có rất ít các hình thức hoạt động tập hợp, thu hút công nhân tham gia, rèn luyện, bày tỏ lòng yêu nước và ý chí phấn đấu vào Đảng, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp ở các khu công nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân chưa cao, chỉ có 28% doanh nghiệp tổ chức các cuộc giao lưu, liên hoan nghệ thuật, hội diễn văn nghệ, 31% doanh nghiệp tổ chưc luyện tập, thi đấu thể thao, 49% doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, 29% doanh nghiệp tổ chức tham quan du lịch, 21% doanh nghiệp duy trì câu lạc bộ theo sở thích.
Chú trọng cách tuyên truyên truyền giáo dục qua người thực, việc thực, qua hình thức nêu gương. Tổ chức đảng cùng với các tổ chức đoàn thể khác trong doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nguyện vọng của công nhân; đồng hành cùng công nhân trong bảo vệ quyền lợi chính đáng và giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách, phức tạp; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật và những vấn đề thiết thân với công nhân như việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động… Đảng viên phải thể hiện tính tiên phong, tính gương mẫu trong công việc và đời sống. Có như vậy, tổ chức đảng, đảng viên mới từng bước tạo được niềm tin và tình cảm của công nhân, tạo động lực thúc đẩy công nhân nỗ lực phấn đấu vào Đảng và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Các thức dân vận, vận động, thuyết phục công nhân cũng cần có nhiều đổi mới, theo hướng gần gũi, chi sẻ, giúp đỡ, đồng hành cùng họ. Từng bước động viên, giúp họ khắc phục tư tưởng ngại học tập chính trị, sợ mất thời gian làm việc, giảm thu nhập; xác định được mục đích vào Đảng là để phấn đấu, cống hiến cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc, là được tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, trình độ hiểu biết.
Trên đây là một số suy nghĩ nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo động cơ phấn đấu vào Đảng cho CNLĐ. Muốn CNLĐ có động cơ phấn đấu vào Đảng - cần thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nói trên; đồng thời cũng phải tăng tính thuyết phục ngay trong các hoạt động của Đảng, của tổ chức đảng, của đảng viên làm minh chứng thực tiễn củng cố vững chắc tình cảm, niềm tin cho công nhân với Đảng./.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài,
Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng