(TG)- Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền trong vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong tình hình hiện nay và thời gian tới như: tiếp tục thực hiện phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “Mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên hiệu quả ở cơ sở”; huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo tính sắc bén, thuyết phục, lan tỏa trong cộng đồng.
Sáng 28/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên hiện nay.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Phuông-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; H’Ngăm Niê Kdăm-Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Dự hội thảo có đồng chí Điểu Kré-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo các cơ quan báo, đài của các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.
Tại Hội thảo, có 26 tham luận của các bộ, ngành Trung ương và địa phương thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên và phụ cận, nội dung tập trung chủ yếu về kinh nghiệm công tác tuyên truyền trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đồng bào có đạo, vùng di dân tái định cư, vùng kinh tế mới. Đồng thời, xây dựng, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác tuyên truyền, dự báo chính xác những diễn biến về cơ cấu xã hội, vấn đề chung và đặc thù ở Tây Nguyên, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số...
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên truyền. Đổi mới nội dung, phương thức và kỹ năng tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên lựa chọn các vấn đề có tính thời sự, cụ thể, thiết thực đối với đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương, hướng tới cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nói những cái mà đồng bào cần. Nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, trong đó chú trọng đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ này kể cả việc đào tạo cán bộ tuyên truyền là con em đồng bào các dân tộc tại chỗ.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng đã báo cáo tham luận một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay. Ông Kpă Simon, Phó Giám đốc Cơ quan Thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên tham luận về kinh nghiệm tuyên truyền chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên; trong đó nhấn mạnh, khi thực hiện chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc cho vùng Tây Nguyên qua điều tra, khảo sát cho thấy rất hiệu quả, nhất là khi tuyên truyền bằng hình thức phát thanh trực tiếp, mở rộng trang thông tin phát thanh tiếng dân tộc Tây Nguyên với 17 thư mục (bình quân mỗi tháng có trên 300.000 lượt truy cập)…
Còn theo Tiến sĩ Lương Ngọc Vĩnh, Khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên tuyền), hiện nay cũng như về lâu dài cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thực hiện công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào mang lại hiệu quả cao…
Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền trong vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong tình hình hiện nay và thời gian tới:
Một là, tiếp tục thực hiện phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “Mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên hiệu quả ở cơ sở”
Hai là, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo tính sắc bén, thuyết phục, lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể, công tác tuyên truyền tập trung hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, trong đó xác định dân tộc, tôn giáo là các yếu tố tác động cơ bản; buôn, bon, làng là địa bàn trọng điểm.
Ba là, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận cần phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền gắn chặt với việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Bốn là, thực hiện nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống” trong thực hiện công tác tuyên truyền, song song với việc biểu dương, nhân rộng các nhân tố điển hình, tích cực trên các lĩnh vực.
Năm là, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, những luồng tư tưởng sai trái trong nhân dân trên địa bàn Tây Nguyên./.
PV