(TG)-Đó là chủ đề của cuộc hội thảo thiết thực triển khai
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XI) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý
tài nguyên và bảo vệ môi trường” ; Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 17/9/2016
của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu
tranh với các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.
Ngày 30/9, tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Tổ chức TRAFFIC International tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nâng cao kỹ năng phát hiện và ngăn chặn vận chuyển trái phép động vật hoang dã cho các cán bộ, nhân viên làm việc tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất". Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của các cán bộ, nhân viên các đơn vị làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, những vị trí có nhiều cơ hội trong việc ngăn chặn và phá vỡ đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã qua đường hàng không.
Hội thảo là hoạt động thiết thực thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” ; Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Thế Đức nhấn mạnh, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã - hành động đã và đang làm suy thoái nguồn đa dạng sinh học quý giá, đe dọa sự sống còn của các giống loài quý hiếm như voi, tê giác và hổ cũng như nhiều loại động, thực vật khác đang gây một làn sóng phản đối dữ dội trên toàn thế giới. Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh học, mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Những loài mang tính biểu tượng được ghi vào sách đỏ như voi, tê giác, hổ, khỉ đột, rùa biển và một số loài ít được biết đến như chim mỏ sừng, tê tê và các loài lan rừng đang bị đe dọa bởi lợi ích của con người đã và đang làm suy yếu nền kinh tế, tính cộng đồng và an ninh toàn cầu. Nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng và cộng đồng nhằm bảo vệ các chủng loài bước đầu đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên động, thực vật hoang dã vẫn có nguy cơ cao bị tuyệt chủng, bất chấp những chiến dịch phối hợp quốc tế đã triển khai, ảnh hưởng đáng kể đến chính sách và đầu tư trong việc bảo tồn, thực thi pháp luật của Việt Nam.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cần phải bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã là góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường, cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước; để bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước, góp phần vào nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của các nước trên thế giới, Việt Nam đã sớm tham gia nhiều công ước quốc tế có liên quan, như: Công ước về vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như nơi cư trú của loài chim nước RAMSAR, 1971, Nghị định thư bổ sung công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng, đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước, Pari, 1982 (tham gia năm 1989); Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) (tham gia năm 1994); Công ước về đa dạng sinh học, 1994 (tham gia năm 1994), Công ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hoá,...
Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Nhưng trên thực tế, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của chúng ta tiếp tục bị suy thoái, các loài động, thực vật tiếp tục bị biến mất khỏi Trái đất hoặc có nguy cơ bị biến mất. Công tác tuyên truyền về thay đổi hành vi không sử dụng, buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã còn nhiều hạn chế, trong đó cần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên làm việc tại cảng hàng không hiểu rõ vị trí vai trò quan trọng của mình trong việc đóng góp để ngăn chặn, phá vỡ đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
|
|
Tại Hội thảo, các đại biểu được các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm giới thiệu và báo cáo về thực trạng buôn bán động, thực vật hoang dã trong giai đoạn hiện nay; kỹ năng phát hiện các hình vi, dấu hiệu và che giấu các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trong vận chuyển qua đường hàng không; những ảnh hưởng, rủi ro tiềm năng đối với cán bộ, nhân viên làm việc tại sân bay từ những kẻ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp thông qua sân bay. Thông qua Hội thảo, các đại biểu đã được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng trong công tác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Bảo Châu