(TG)-Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban
Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các địa phương cần phối hợp tốt
với Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương thực hiện tốt
một số nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngày 05 tháng 10 năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí là lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương thành viên Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương và hơn 80 đại biểu đại diện của 17 Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã được thành lập tại 52 tỉnh, thành phố trong cả nước trên cơ sở Kết luận số 16 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020" nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Nhờ nhận thức về vai trò công tác thông tin đối ngoại được nâng cao; cơ cấu tổ chức, bộ máy được tăng cường nên các hoạt động thông tin đối ngoại tại các địa phương nhìn chung đã bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại đang được triển khai có kế hoạch, ngày càng đa dạng, bài bản và thực chất. Nội dung, phương thức các hoạt động thông tin đối ngoại thường xuyên được chú trọng đổi mới, chất lượng, hiệu quả hơn; phạm vi, đối tượng, địa bàn ngày càng được mở rộng. Công tác đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội chính trị, thù địch được thực hiện kịp thời và hiệu quả hơn. Cũng với nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác thông tin đối ngoại ở các địa phương đã góp phần tích cực trong việc củng cố sự đồng thuận xã hội, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và trên trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở địa phương vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục. Vai trò của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại ở một số tỉnh, thành phố chưa được đánh giá đúng mức. Công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ thông tin đối ngoại cũng như trong công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan khác ở Trung ương và các địa phương khác còn có những bị động, chưa phát huy được hết sức mạnh của các lực lượng làm thông tin đối ngoại trên địa bàn.
|
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương ghi nhận những nỗ lực và kết quả hoạt động tích cực trong thời gian vừa qua của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các địa phương. Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề mới, khó dự báo; tình hình trong nước có những cả thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực xấu đang quyết liệt đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các địa phương cần phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, nhận thức đầy đủ hơn nữa về vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại một cách hiệu quả theo đúng tinh thần Kết luận số 16 về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020".
Thứ hai, hoàn thiện tổ chức, cơ chế chỉ đạo, phối hợp hoạt động thông tin đối ngoại giữa trung ương và địa phương nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa tính chủ động, tính kế hoạch trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại địa phương.
Thứ tư, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đối ngoại ở địa phương. Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, cơ sở lập luận cho các cơ quan báo chí về những vấn đề quan trọng liên quan đến tuyên truyền đối ngoại.
Thứ năm, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức các hoạt động thông tin đối ngoại. Tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài. Tận dụng tốt hơn nữa vai trò quan trọng của báo chí nước ngoài, các cơ quan đại diện của nước ngoài đóng trên địa bàn trong việc xúc tiến đầu tư, du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình, tham mưu chỉ đạo định hướng đối với một số vấn đề quan trọng, mới nảy sinh được dư luận quan tâm./
Hà Nguyên