Với tổng ngân sách hơn 1,8 tỷ USD, dự án đã hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu
số hoàn thành giáo dục Tiểu học và tiếp tục theo bậc THCS.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo,
đặc biệt là đối với học sinh dân tộc thiểu số tại các huyện vùng sâu
vùng xa của Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với ngành giáo
dục và đào tạo. Nhằm mục đích đó, ngày 30/5, tại Hà Nội, Tổ chức cứu trợ
trẻ em (Save the children) phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
hội nghị tổng kết dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân
tộc thiểu số ở 3 tỉnh vùng khó khăn của Việt Nam”.
Dự án được tài trợ bởi Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới bắt đầu từ năm 2009.
Với tổng ngân sách 1.809.000 USD, dự án
đã hỗ trợ các em học sinh trong độ tuổi từ 5 -14, thuộc cộng đồng các
dân tộc thiểu số ở 3 huyện Mường Chà (Điện Biên), Văn Chấn (Yên Bái) và
Hướng Hóa (Quảng Trị) hoàn thành giáo dục tiểu học và tiếp tục theo bậc
trung học cơ sở.
Mường Chà, Văn Chấn, và Hướng Hóa nằm
trong số những huyện khó khăn nhất của Việt Nam. Hầu hết cộng đồng dân
cư thuộc 3 huyện này là dân tộc thiểu số, nhưng con em họ khi đến trường
lại do các cô giáo người Kinh giảng dạy và các em học các môn đều bằng
tiếng Việt. Trong khi đó, thầy/ cô giáo không nói được tiếng mẹ đẻ của
các em do đó gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với học sinh.
Ngoài ra, tại các huyện này, cơ sở vật
chất ở nhiều trường học còn nghèo nàn, tài liệu giảng dạy ít, trang
thiết bị vệ sinh còn thiếu. Nhiều nội dung học trong sách giáo khoa
không phù hợp với kinh nghiệm và văn hóa của các em dân tộc, góp phần
làm tỷ lệ nhập học và hoàn thiện bậc tiểu học của các em dân tộc thiểu
số không được cao.
Từ thực tế đó, trong 4 năm qua, Tổ chức
cứu trợ trẻ em đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho giáo viên và các nhà
quản lý giáo dục về phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ,
phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho học sinh dân tộc
thiểu số, các phương pháp giảng dạy tích cực lấy học sinh làm trung tâm.
Xây dựng trường học thân thiện thông qua
thư viện thân thiện, huy động phụ huynh làm đồ dùng học tập bằng những
vật liệu dễ tìm, dễ có ở địa phương; huy động trợ giảng người dân tộc
tham gia giảng dạy cùng giáo viên… giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn,
thêm hào hứng đến trường.
Bên cạnh đó, 38 phòng học, 4 nhà vệ sinh
và một bếp ăn tại một số trường mầm non và tiểu học đã được nâng cấp và
xây mới. Dự án cũng đã in ấn được 85 đầu sách, truyện và 9 đĩa băng
hình hỗ trợ giáo viên và học sinh trong hoạt động học tập.
Ông Bùi Kim Đống, Chuyên viên Giáo dục
(Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái)) chia sẻ: “Dự án đã
cung cấp cho giáo viên những kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp.
Thông qua các chương trình, học sinh dân tộc thiểu số đã mạnh dạn hơn,
tự tin hơn trong giao tiếp, vốn tiếng Việt được tăng cường… các em thích
thú đến trường hơn do đó tỷ lệ học sinh đến lớp cũng ổn định hơn”.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của
dự án trong 4 năm qua, ông Junji Kuyama, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán
Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản sẽ cố gắng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong
việc phát triển chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số. Chúng
tôi mong muốn cách tiếp cận về chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc
thiểu số này sẽ được nhân rộng ở các vùng có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao
trong cả nước. Qua đó, hy vọng tình hữu nghĩ giữa Việt Nam và Nhật Bản
ngày càng thắt chặt hơn nữa”.
Tại hội nghị, các địa phương tham gia dự
án đã chia sẻ những hoạt động, bài học kinh nghiệm thực hiện trong thời
gian qua. Đây sẽ là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà
quản lý giáo dục tìm ra kế hoạch phù hợp cho giáo dục trong tương lai./.
Theo VOVnews