Tuyên truyền miệng là thông qua nghệ thuật diễn giải tác động trực tiếp vào từng trái tim khối óc của từng con người. Đây là giải pháp cơ bản, trực tiếp định hướng công tác tư tưởng đạt hiệu quả, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, khắc phục tệ quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng trong đơn vị. Đặc biệt đối với những đơn vị còn khó khăn về các phương tiện thông tin đại chúng thì tuyên truyền miệng càng có ý nghĩa quan trọng, là phương thức hữu hiệu, kịp thời nhất để truyền bá những quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ cách mạng của quân đội tới mỗi quân nhân và tập thể đơn vị.
Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, nhất là Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 15/10/2007 “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; Quyết định số 2677/QĐ-BQP ngày 23/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về Đề án Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, thời gian qua, hoạt động này đã góp phần quan trọng làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội. Mặt khác, đó còn là vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, sai trái, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng trong quân đội nói chung, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện ở đơn vị cơ sở nói riêng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của quân đội trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, thực trạng công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế cả về nội dung và hình thức tiến hành. Một số cán bộ, trong đó có cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng. Trong quản lý, giáo dục bộ đội chỉ xem đó là hoạt động bề nổi. Quá trình tổ chức tiến hành công tác tuyên truyền ở một số đơn vị có biểu hiện hình thức, giản đơn, cá biệt có nơi mang tính đối phó, ép buộc, dẫn đến mấy móc trong công tác tuyên truyền. “Còn biểu hiện hành chính hóa trong công tác tư tưởng, giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh còn nhiều bất cập, quản lý tư tưởng thiếu chiều sâu và độ vững chắc” (1), làm giảm hiệu quả của công tác tư tưởng ở đơn vị, nhất là trong điều kiện có sự chống phá tinh vi của các thế lực thù địch, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc đối với cách mạng Việt Nam và sự nghiệp xây dựng quân đội. Vì vậy, Đảng xác định: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”(2). Để khắc phục những vấn đề nêu trên, công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, không ngừng giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở. Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trước hết phụ thuộc vào vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ở đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(3). Mặt khác, Đảng khẳng định: “Trên thực tế còn một bộ phận cán bộ cơ sở thiếu nhiệt huyết công tác, trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, ngại công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”(4). Do vậy, công tác tuyên truyền miệng muốn đi vào nền nếp, thực hành linh hoạt, sáng tạo các hình thức và nội dung tuyên truyền miệng, làm cho hoạt động này luôn đạt chất lượng, hiệu quả, thì vấn đề quan trọng hàng đầu phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Trước hết cần tăng cường giáo dục xây dựng động cơ trách nhiệm, nâng cao nhận thức, sự nhạy bén chính trị của đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở: “Có tinh thần tận tụy với công việc, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, làm có nguyên tắc và kỷ cương”(5). Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đổi mới công tác tuyên truyền, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nhân cách quân nhân, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, đối với các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các vùng trọng điểm về quốc phòng an ninh, thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết nhằm không ngừng tuyên truyền, động viên mọi cán bộ, chiến sĩ hăng say, tích cực công tác, làm tròn nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, trên cơ sở đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền, phải kịp thời cập nhật thông tin mới trong công tác tuyên truyền miệng ở đơn vị cơ sở. Phải căn cứ vào đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, trên cơ sở các sự kiện quan trọng của quốc tế, đất nước và quân đội để tuyên truyền và “chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục trong tuyên truyền”(6).
Công tác tuyên truyền miệng cần bám sát chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn nội dung các chuyên đề tuyên truyền trong từng năm, quý, tháng. Tiến hành các nội dung tuyên truyền phải gắn với những thời điểm lịch sử, sự kiện chính trị-xã hội, những đợt sinh hoạt chính trị của đất nước, quân đội và đơn vị; nhanh chóng chuyển tải những thông tin có chọn lọc đến mọi cán bộ, chiến sĩ; phân tích, bình luận sâu sắc và định hướng cụ thể các vấn đề chính trị - xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh mà cán bộ, chiến sĩ đang quan tâm. Bồi dưỡng, cổ vũ những nhân tố mới và những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến phong trào thi đua quyết thắng. Kế hoạch tuyên truyền phải thể hiện rõ sự đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp các đối tượng; đồng thời bảo đảm tính hấp dẫn với người nghe, đáp ứng nhu cầu nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, khắc phục tình trạng đơn điệu, khô cứng, lạc hậu, hoặc sự trùng lặp, tản mạn trong tuyên truyền.
Quá trình tuyên truyền phải dự báo được những vấn đề phát triển mới, nổi bật cả về lý luận và thực tiễn, tích cực nghiên cứu, mở rộng phạm vi tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các lực lượng, các tổ chức trong và ngoài đơn vị nhằm không ngừng tăng cường giao lưu, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Đặc biệt là về thực tiễn tình hình tranh chấp biển, đảo hiện nay của các nước trong khu vực, nhất là âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mặt khác, cần làm tốt công tác định hướng tư tưởng, ngăn chặn, đấu tranh loại bỏ những thông tin xấu có khả năng xâm nhập vào đơn vị làm ảnh hưởng công tác tuyên truyền nói riêng và nhiệm vụ chính trị của đơn vị nói chung.
Ba là, thường xuyên bám sát đối tượng tuyên truyền, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động tuyên truyền ở đơn vị cơ sở.
(1,4, 8). Bộ Quốc phòng, số 2677/QĐ-BQP ngày 23/7/2013, Quyết định Phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
(2,7). ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XI) Nxb CTQG, H, 2012, tr. 37.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 240.
(5). Quân ủy Trung ương, số 646-QĐ/QUTW, ngày 6/11/2012, Quyết định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ laanhx đạo, chỉ huy quản lý các cấp trong quân đội”.
(6). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 225.