Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 20/6/2016 15:16'(GMT+7)

Nâng cao đạo đức nghề báo để phát huy sức mạnh báo chí

Đội ngũ những người làm báo đang ngày đêm vất vả tại vùng sâu vùng xa để thực hiện tin, bài.

Đội ngũ những người làm báo đang ngày đêm vất vả tại vùng sâu vùng xa để thực hiện tin, bài.

Có như vậy, nhà báo mới có thể sáng tạo được những tác phẩm báo chí có giá trị nhân văn, đáp ứng yêu cầu của công chúng và phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, nhu cầu thông tin của người dân tăng cao, đồng nghĩa với việc các nhà báo được coi trọng, thông tin báo chí càng có điều kiện phát huy sức mạnh thì yêu cầu về đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà báo càng được đề cao.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, đại đa số nhà báo đều là những người hành nghề theo đúng pháp luật và có đạo đức nghề nghiệp, chính vì có một lực lượng đông đảo như vậy thì làng báo mới phát triển được như hiện nay. Điều này được khẳng định nhiều trong những bài phát biểu, các đánh giá của các lãnh đạo cao cấp Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về một số biểu hiện trái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo.

Có nhà báo non yếu về mặt nghiệp vụ nên vô tình vi phạm pháp luật, có người cố ý vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân. Có những người vi phạm nhẹ hơn, chưa tới mức độ xử lý hình sự nhưng đưa tin không chính xác, phản ánh không trung thực… Những thông tin trên báo chí như thế xúc phạm, làm tổn hại danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp đang cạnh tranh quyết liệt, từ đó làm thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho các cá nhân và tổ chức.

Nhà báo, TS Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Có nhà báo viết vì mục đích trục lợi cá nhân - đây là một hiện tượng có thật và đây là hành vi đáng lên án. Đã có người bị xử lí theo pháp luật vì tham gia chạy án, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân, viết sai sự thật… Như vậy, văn hóa nghề nghiệp bị xem nhẹ, viết mà xem nhẹ người dân, ảnh hưởng xã hội, viết mà không tính đến có hại như thế nào đến quốc gia vì đời sống, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao...”


Trưởng ban Nghiệp vụ Trần Bá Dung cho rằng, số nhỏ những nhà báo vi phạm đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của những nhà báo chân chính, khiến xã hội mất niềm tin ở nhà báo. Khi người dân đã mất lòng tin, thì họ sẽ không đọc báo, nghe đài, xem tivi... vì không tin những thông tin đó nữa. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, dẫn đến suy giảm lòng tin không chỉ đối với báo chí mà cả xã hội, con người không còn niềm tin vào nhau, nghi ngờ nhau. Mà khi người dân khủng hoảng niềm tin thì xã hội sẽ khủng hoảng niềm tin. Đây là hậu quả tất yếu của nền báo chí không coi trọng đạo đức, trách nhiệm xã hội.

Hội Nhà báo Việt Nam đã thống kê hàng loạt những vụ việc nhà báo vi phạm đạo đức vừa qua. Cụ thể: Vụ phóng viên một tờ báo thường trú tại Nghệ An nắm bắt được những bất cập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên ép họ phải chi 20 triệu đồng. Doanh nghiệp bất bình nên tố cáo với công an, khi giao dịch chuyển tiền diễn ra thì vị phóng viên này đã bị bắt… Một phóng viên của tờ báo khác đóng vai chủ xe tải, dùng tiền mua chuộc lực lượng công an giao thông rồi viết bài phê phán tiêu cực. Rồi vụ việc mới đây, một phóng viên tập sự vì mục đích cá nhân đã dàn dựng cảnh dùng chổi quét rau và cho rằng người dân làm như vậy để lừa đảo người tiêu dùng đó là rau sạch… Những hành vi trên sớm muộn cũng bị phanh phui, việc làm có dụng ý xấu của nhà báo sẽ bị phê phán.

Rèn luyện ý chí và nghị lực

Trong quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam nói rất rõ, hội viên thì phải hành nghề có đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo trước hết phải tự giáo dục mình, tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”.

Theo ông Trần Bá Dung, tổng biên tập của một cơ quan báo chí thì phải biết tư cách đạo đức của phóng viên, không cung cấp giấy giới thiệu tràn lan, không tạo môi trường để nảy sinh tiêu cực, phải biết phóng viên đi đâu, làm việc gì, làm với tư cách nào. Bên cạnh đó, vai trò của tổ chức Hội nhà báo cũng vô cùng quan trọng, phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng, đạo đức, khả năng của phóng viên để định hướng và bồi dưỡng. Cơ quan báo chí phải tuyển phóng viên được đào tạo từ các trường dạy nghiệp vụ báo chí. Vì báo chí có sức nặng, ảnh hưởng mạnh đến toàn xã hội, nên phải chọn những nhà báo có đào tạo, có đạo đức nhà báo, phải có tố chất, có ý thức tổ chức kỉ luật tốt.

Ông Trần Bá Dung chia sẻ, với các nhà báo trẻ, hay các sinh viên muốn làm báo, phải xác định nghề báo là nghề lao động đặc biệt vất vả, suốt đời phải đi xông xáo, lăn xả mọi chỗ, chứ không thể làm báo trên máy tính. Nếu xác định dùng nghề báo để làm giàu thì dễ vi phạm đạo đức xã hội, thậm chí sẽ phải dùng ngòi bút để trục lợi cá nhân. Muốn làm báo giỏi thì phải học và rèn luyện chuyên môn, phải học viết tin, bài, chụp ảnh, quay phim, phải có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Nghề báo là một nghề rất vinh quang, nhưng cũng có lúc nếm trải cay đắng. Được tôn vinh cũng có nhưng có khi cũng dễ bị coi thường, phần lớn do chính nhà báo.

Trần Việt/Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất