Thứ Hai, 9/12/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 10/10/2023 11:6'(GMT+7)

Nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay

Không gian sáng tạo số đang trở thành một xu hướng lớn trong nền văn hóa hiện đại. Đây là một không gian kết nối các văn nghệ sĩ với công nghệ và internet, giúp họ có thể tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật mới bằng cách sử dụng các công cụ số hóa và phát triển các dự án trực tuyến. Không gian sáng tạo số đòi hỏi các văn nghệ sĩ cần phải tiếp cận với các công nghệ số mới để khám phá các phương tiện mới thể hiện sáng tạo của mình. Đây là một hành trình không chỉ là đưa công nghệ vào việc sáng tác văn học nghệ thuật, mà còn là đưa văn học nghệ thuật vào thiên đường số. Với không gian sáng tạo số, các văn nghệ sĩ có khả năng tạo ra những tác phẩm thú vị và độc đáo bằng cách sử dụng các công nghệ số như máy tính, phần mềm đồ họa, video, âm thanh, hoạt hình, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và internet. Nó giúp người sáng tạo tận dụng và kết hợp các công nghệ số để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật sáng tác văn học một cách tối ưu hơn.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.  Với tinh thần đó, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã quán triệt và triển khai thực hiện đến các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố nhằm nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ cả nước với Tổ quốc, với nhân dân và dân tộc, đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của đất nước do Đảng lãnh đạo, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.

MÔI TRƯỜNG SỐ VÀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Môi trường số bao gồm các trang web, ứng dụng di động, truyền thông xã hội đến thế giới của trò chơi điện tử và thậm chí là thực tế ảo. Đây là không gian mà con người ngày càng tiếp xúc, tương tác và sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày.

Văn học nghệ thuật từ lâu đã phản ánh sự biến đổi của thế giới theo hướng kỹ thuật và số hóa. Tác phẩm điện ảnh vĩ đại “2001: A space Odyssey” (Chuyến du hành không gian) sản xuất năm 1968 của đạo diễn lừng danh Stanley Kubrick đã mở ra các khái niệm về tiến hóa, sự sống ngoài hành tinh và trí thông minh nhân tạo cho dòng phim khoa học viễn tưởng. Tiểu thuyết “Neuromancer” của William Gibson đã mô tả thế giới của hacker và máy tính vào thập kỷ 1980. Hơn nữa, văn học nghệ thuật cũng thể hiện sự tương tác của con người với môi trường số qua việc thể hiện cuộc sống trực tuyến, mối quan hệ qua mạng xã hội và thậm chí những vấn đề về thể chất và tinh thần do ảnh hưởng của môi trường số.

Môi trường số và văn học nghệ thuật còn gắn kết qua việc tạo ra các nền tảng truyền thông và công cụ sáng tạo. Các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay thường kết hợp văn bản, hình ảnh, âm thanh và video để tạo ra trải nghiệm đa chiều cho người đọc.

Môi trường số và văn học nghệ thuật đang có sự tương tác mạnh mẽ và thú vị trong thời đại số hóa. Văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh môi trường số mà còn là một phần quan trọng của nó, thể hiện sự thay đổi và tiến hóa của cuộc sống và văn hóa trong thế kỷ 21.

Không gian sáng tạo số đã đem lại nhiều cơ hội mới cho những tác giả để tạo ra những trang văn chương độc đáo, tinh tế và hấp dẫn. Sự phát triển của internet và các công cụ kỹ thuật số đã tiếp thêm động lực cho sự phát triển của các sản phẩm văn học nghệ thuật. Truyện tranh số, truyện tranh động, sách điện tử và trò chơi điện tử đang được phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ của không gian sáng tạo số. Sự ra đời của các nền tảng như Kindle, iBooks…, đã giúp cho quá trình xuất bản sách điện tử dễ dàng hơn. Các trang web đã cung cấp cho các tác giả một môi trường để chia sẻ tác phẩm của họ với cộng đồng độc giả trực tuyến. Các trò chơi điện tử cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với các tác giả, khi các trò chơi này thường có chuyện kể và lối chơi dẫn dắt nhân vật. Các tác phẩm này không chỉ đơn thuần là những sản phẩm số, mà còn là những tác phẩm độc đáo mang lại trải nghiệm thật tuyệt vời.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với ưu thế vượt trội về quyền tự do, cởi mở, ít bị kiểm duyệt, tốc độ lan truyền nhanh, phạm vi phổ biến rông, tính tương tác cao…, việc lưu hành và phát triển văn học học nghệ thuật trền nền tảng công nghệ số có những thuận lợi lớn. Để nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay cần lưu ý các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới. Tác phẩm văn học nghệ thuật cần thể hiện sự đa dạng về chủ đề, phong cách, và quan điểm. Sự sáng tạo khuyến khích các tác giả thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo ra những tác phẩm độc đáo và phong cách riêng biệt. Tác phẩm văn học nghệ thuật có thể thúc đẩy sự nhận thức về các vấn đề xã hội quan trọng, như bình đẳng, môi trường và hòa bình;  tạo nên các thông điệp sâu sắc về nhân loại và giúp xây dựng một cộng đồng quốc tế đoàn kết.

Tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số có thể bảo tồn và thúc đẩy nền văn hóa truyền thống của đất nước, góp phần xây dựng và duy trì những giá trị văn hóa đặc trưng. Bên cạnh đó, có thể được sử dụng trong giáo dục để mở rộng và nâng cao sự hiểu biết, giúp phát triển tư duy sáng tạo và trí tuệ cho người sử dụng.

Thứ hai, Chính phủ và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghệ thuật và hỗ trợ tài chính cho các tác giả. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo và tạo ra những tác phẩm có giá trị. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để trình Quốc hội trong các kỳ họp tới đã rất quan tâm đến việc nâng cao giá trị tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhiều dự án khả thi được ghi trong Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình “Xây dựng không gian sáng tạo số về tác phẩm Nhiếp ảnh Việt Nam”; Chương trình “Phổ biến tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các sản phẩm vui chơi giải trí trên môi trường số”; Chương trình “Xây dựng bảo tàng số về văn học nghệ thuật Việt Nam”; Chương trình “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trên nền tảng công nghệ 4.0”; Chương trình “Nghiên cứu, tổng hợp, công bố tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng, tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước, 100 năm thành lập Đảng trên nền tảng công nghệ số”.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá rất cao Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xem đây là động lực của sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà. Các chương trình trên nếu được thực hiện sẽ đem lại rất nhiều ý nghĩa. Đó là, kết nối tác giả và độc giả, cho phép người sáng tạo và người hưởng thụ được tham gia vào quá trình sáng tạo hoặc thảo luận về tác phẩm, từ đó có trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, đa chiều. Các tác phẩm văn học nghệ thuật được phát hành và quảng cáo nhanh nhất thông qua các kênh trực tuyến. Sử dụng dữ liệu và phân tích dữ liệu để tác giả hiểu sâu hơn về sở thích của độc giả, từ đó hướng sáng tạo các tác phẩm phù hợp thị hiếu lành mạnh của công chúng. Đào tạo văn nghệ sĩ cách sử dụng công nghệ số trong việc sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, từ đó tạo điều kiện để  tài năng mới có cơ hội thể hiện sáng tạo trên môi trường số. Tạo thói quen tuân thủ Luật bản quyền và đạo đức trong việc sáng tạo và chia sẻ tác phẩm trực tuyến.

Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề

Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với những vẫn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay" diễn ra ngày 15/12/2021. (Ảnh: TA)

NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA

Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện đại, việc tiếp nhận, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực văn học nghệ thuật như thế nào để vừa gìn giữ, phát triển, không để mai một truyền thồng bản sắc văn hóa, vừa không được bảo thủ để cởi mở tiếp nhận cái mới luôn là một vấn đề quan trọng với sự phát triển của cá nhân người nghệ sĩ trong dòng phát triển chung của thời đại.

Văn học nghệ thuật đang trải qua một cuộc cách mạng trong môi trường số. Việc nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi các tác giả phải có sự đổi mới, sáng tạo nội dung và hình thức, nâng cao hiểu biết về công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, cũng cần trang bị cho mình những kiến thức để chủ động đối mặt với những thách thức như bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. Chỉ có sự kết hợp của những nỗ lực này chúng ta mới có thể định hình một tương lai hứa hẹn cho văn học nghệ thuật số ở Việt Nam, nơi giá trị của tác giả, tác phẩm nghệ thuật được tôn trọng và phát triển trong môi trường số đang mở rộng. Nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức như vấn đề bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ.

Vấn đề bản quyền cũng là một thách thức lớn. Để bảo vệ tác phẩm trực tuyến khỏi việc sao chép trái phép, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ như sử dụng Luật bản quyền, chuẩn hóa các quy tắc về việc sử dụng tác phẩm, và thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng,

Sự phụ thuộc vào công nghệ đòi hỏi phải có trình độ kiến thức và năng lực tài chính để đảm bảo tính ổn định và bảo mật của các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó phải có kế hoạch dự phòng để giảm thiểu nguy cơ mất tác phẩm do sự cố kỹ thuật.

Môi trường số và văn học nghệ thuật là hai lĩnh vực đang gặp nhau trong sự tương tác và ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau trong thời đại số hóa ngày nay. Do đó, Chính phủ và các ngành các cấp liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý việc lưu hành, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật trên mạng; tạo dựng hành lang pháp lý chặt chẽ gắn với Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin…; bổ sung các nội dung liên quan đến mạng trong Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động Mỹ thuật, Nghị định về hoạt động nhiếp ảnh… Kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng; tăng cường hiệu quả công tác kiểm duyệt, cấp phép, kiểm tra, giám sát… Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ chân chính, gia tăng sáng tạo các tác phẩm có chất lượng cao, lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, đề cao những giá trị, chuẩn mực văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

NSND. Trịnh Thúy Mùi
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất